Ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về về phòng chống thiên tai để chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự cố vỡ đập thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp |
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì họp với các cơ quan hữu quan để nhận định tình hình và sẵn sàng triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng phó.
Tại cuộc họp, ông Lê Hồng Quang, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: "Ngay sáng nay chúng tôi đã phối hợp với Quân khu 5 để sang Lào tổ chức cứu hộ cứu nạn, đưa cả trang thiết bị sang hỗ trợ, sau đó sẽ bàn giao các thiết bị máy móc cứu nạn này cho Lào tiếp nhận”.
Người dân sơ tán tới chỗ an toàn ở huyện Sanamthay, tỉnh Attapeu hôm 24/7. Ảnh: Reuters |
Ngày 24/7, Chính phủ Lào đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại huyện Samathay, tỉnh Attapeu.
Nhận định về những tác động tới Việt Nam sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết: Các cơ quan chức năng đã tính toán đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít có tác động đến ĐBSCL. Và sau 4-5 ngày lượng nước từ Lào sẽ về đến các tỉnh ĐBSCL. Mực nước dâng ở khu vực này chỉ khoảng 5-10cm.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai |
Ông Nguyễn Văn Hải cũng cho biết, sự cố vỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam: “Trước tiên, chúng ta cần tổng rà soát đánh giá các hồ chứa thuỷ điện thuỷ lợi trước mùa mưa lũ. Tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước,… để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thuỷ điện để có giải pháp ứng phó kịp thời".
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đã và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và tính toán về khả năng tác động tới Việt Nam./.