Tình trạng xói lở bờ biển ở các tỉnh ĐBSCL xảy ra ngày càng gia tăng gây thiệt hại ngày càng cao và đã trở thành thách thức đối với các tỉnh ven biển trong khu vực. Hiện các địa phương đang nỗ lực để khắc phục tình trạng này.
Tỉnh Cà Mau là địa phương bước đầu triển khai thành công việc xây dựng kè ngầm tạo bãi, hay còn gọi là kè ly tâm tại những vị trí xung yếu để chống chọi với thực trạng biển xâm lấn đất liền.
Tình trạng xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. |
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau đã cho xây dựng thí điểm kè ly tâm. Loại kè này cho phép nước biển đi qua, mang phù sa vào bên trong gây bồi tự nhiên. Hiện toàn tỉnh Cà Mau đã xây dựng được khoảng 17 km kè ly tâm tại những điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều đoạn, bãi bồi đã đầy lên khoảng 2 mét, lấn ra bên ngoài chân kè. Trong đó, nhiều nơi diện tích cây rừng đã có thể tự tái sinh trên đất bãi bồi và lấn dần ra biển.
Ông Tô Quốc Nam cho biết, nếu không có phương án bảo vệ, sẽ mất rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến đê biển. Hiện tỉnh đã chủ trương làm kè giảm sóng từ xa. Trên cơ sở đó làm kè bằng cọc ly tâm.
Cách đây 3 năm, tỉnh Tiền Giang cũng đã đầu tư gần 60 tỷ đồng thực hiện thí điểm dự án: “Gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công” tại địa bàn xã Tân Điền.
Dự án được thực hiện với chiều dài gần 1,5 km, tổng diện tích gần 18 ha; bao gồm hệ thống kè mềm bằng túi chứa cát giảm sóng, gây bồi lắng với đỉnh kè 1,7m. Sau khi đất trong vùng dự án bồi lắng sẽ trồng rừng tái tạo.
Ông Ưng Hồng Nghi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, khi dự án này triển khai có hiệu quả, tỉnh sẽ nhân rộng ra toàn hệ thống đê biển Gò Công.
Xây kè đê biển Rạch Gốc, Tiền Giang. |
"Dự án trồng rừng phòng hộ có nhiệm vụ phá sóng triều đi vào, bảo vệ tuyến đê hiện hữu. Thứ 2 là gây bồi để phục hồi rừng phòng hộ, khi phục hồi rừng phòng hộ sẽ bảo vệ vững chắc tuyến đê biển, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng thời gian tới. Qua triển khai dự án bước đầu, tình hình bồi lắng khả quan, hy vọng thời gian tới tình hình bồi lắng tốt, tạo điều kiện để khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ tốt tuyến đê biển", ông Nghi cho biết thêm.
Riêng tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng 13 dự án, trong đó có 3 dự án được phê duyệt, triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 2.215 tỷ đồng. Các dự án gồm: Đầu tư nâng cấp đê biển từ Mũi Nai, thị xã Hà Tiên đến Tiểu Dừa, huyện An Minh; khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt là công trình bảo vệ bờ để gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn và tạo sinh kế cho người dân ven biển.
Đến thời điểm này Kiên Giang trồng được hơn 500ha rừng ngập mặn ven biển.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng, các công trình trồng rừng đang bước vào giai đoạn chăm sóc và bảo vệ rừng. Việc trồng rừng bước đầu đã tạo được bồi, tạo được bãi để có mặt bằng trồng rừng. Hiện nay, các loài cây mắm và đước phát triển rất tốt. Khi các loài cây này phát triển, tình trạng xói lở sẽ không còn xảy ra và dần dần ổn định mặt bằng sau này có thể trồng thêm bên ngoài nữa.
Việc đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu vực sạt lở là cần thiết, cấp bách nhằm chống mất thêm rừng phòng hộ, sạt lở thêm bờ biển, bảo vệ cơ sở hạ tầng và dân cư khu vực ven biển.
Tuy nhiên, để phòng chống sạt lở bờ biển hiệu quả, các tỉnh ven biển ở ĐBSCL đang cần nguồn kinh phí rất lớn mà khả năng ngân sách của địa phương rất khó khăn.
Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang để xử lý xử lý cấp bách 14,5km bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm, địa phương cần Chính phủ hỗ trợ 300 tỷ đồng.
Tỉnh Tiền Giang cũng cần có nguồn vốn trên 400 tỷ đồng để đầu tư kè mái đê biển ở những đoạn xung yếu, cứng hóa mặt đê biển, thực hiện chống xói lở, gây bồi và trồng lại rừng phòng hộ tại những nơi bị mất để bảo vệ an toàn tuyến đê.
Trong khi đó, tỉnh Cà Mau cũng đang cần Chính phủ hỗ trợ để đầu tư xây dựng khu tái định cư khẩn cấp cho khoảng 650 hộ, với hơn 2.600 nhân khẩu tại khu vực cửa biển Đá Bạc, Vàm Xoáy, Rạch Gốc vào nơi an toàn.
Thời gian qua, mặc dù các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm “cứu” và giữ đất ven biển ĐBSCL tuy nhiên hiệu quả mang lại vẫn chưa cao do thiếu nguồn vốn cũng như thiếu sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng. Thường, địa phương nào khi có điểm sạt lở xảy ra mới tập trung phòng, chống tại điểm đó, trong khi việc quan trọng nhất là công tác dự báo và tìm hiểu căn cơ nguyên nhân gây ra sạt lở để xử lý từ gốc thì chưa được quan tâm đúng mức./.
Sạt lở ở ĐBSCL: Biển bạc hung hãn “cạp” rừng vàng