Đằng sau vụ việc này có thể là một đường dây buôn lậu cây giáng gương cực lớn.
Ông Nguyễn Sơn Lâm, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai xác nhận, ngày 17/4, đơn vị bắt một xe chở cây Giáng Hương vận chuyển qua địa bàn xã Ia Le, giáp ranh với huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, có 8 cây có đường kính 10-20cm, cao 4-5m, còn nguyên gốc và phần gốc được bao bọc cẩn thận để có thể trồng trở lại. Số cây Giáng Hương này đã được đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh để tiếp tục điều tra, làm rõ nguồn gốc, cũng như những người liên quan.

vov_buon_lau_giang_huong_o_tay_nguyen_1_iyue.jpg
Xe tải chở cây Giáng Hương.

Theo nguồn tin riêng của Phóng viên Đài TNVN, vụ việc 8 cây Giáng Hương bị Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh bắt giữ chỉ là một phần rất nhỏ trong đường dây buôn lậu cây Giáng Hương từ Tây Nguyên ra các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là thành phố Hà Nội.
Theo những hình ảnh ghi lại, có thời điểm gần trăm cây Giáng Hương được xe độ chế tập kết tại một công ty cao su đóng tại hai huyện Ea H’leo và Ea Suóp, tỉnh Đắk Lắk rồi được chất lên xe tải để chở ra phía Bắc. Toàn bộ đều là những cây Giáng Hương rừng tự nhiên, được đào cẩn thận để có thể mang trồng làm cảnh.
Cây Giáng Hương là loại gỗ quý, thuộc nhóm 1, cấm khai thác, buôn bán. Ở Tây Nguyên, cây Giáng Hương đã bị khai thác đến mức kiệt quệ, số lượng còn rất hạn chế và chủ yếu còn những cây có đường kính nhỏ, từ 10-30cm.

Khu vực tập kết cây Giáng Hương.
Giáo sư, Tiến sĩ lâm nghiệp Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên, cho rằng, việc khai thác cả gốc rễ những cây Giáng Hương đường kính nhỏ 10-30cm, có khả năng sẽ làm sạch bóng loại cây này ở Tây Nguyên. Khi còn gốc, rễ, thì cây có thể tái sinh nhưng đào cả gốc rễ thì là sự tận diệt và cần phải lên án. Người bị lên án không chỉ những người khai thác, buôn bán mà cả những người sử dụng. Chính những người có nhu cầu sử dụng cây gỗ hương làm cây cảnh sẽ làm tận diệt loài cây này./.