Thời gian gần đây, tại Đồng Nai lực lượng chức năng liên tiếp bắt quả tang các trường hợp giết mổ heo lậu, không đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, thậm chí nhiều trường hợp heo chết, heo bệnh cũng được giết mổ đem bán. Tình trạng này đang làm đau đầu cơ quan chức năng, làm dấy lên lo ngại về việc thịt heo bẩn tuồn ra thị trường cũng như nguy cơ về dịch bệnh có thể uy hiếp ngành chăn nuôi.

vov_heo_ban_1_srwa.jpg
Heo có dấu hiệu bị lở mồm long móng phát hiện tại cơ sở của bà Trịnh Thị Thơm, (phường Long Bình, TP. Biên Hòa ngày 21/9).

“Đừng dại ăn thịt heo quay sẵn bán ở ngoài chợ!”
Từ đầu năm tới nay, ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai gồm Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Chi cục Quản lý thị trường đã bắt quả tang 41 vụ vi phạm các quy định về giết mổ. Lỗi chủ yếu là không có giấy phép kinh doanh giết mổ, giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, bơm nước vào heo trước khi giết mổ và thậm chí một trường hợp bị phát hiện giết mổ heo có dấu hiệu bị bệnh lở mồm long móng.
Tại ấp 3 xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), người dân ở đây nhiều lần phản ánh việc ông Mai Ngọc Ánh thường mua heo chết mang về mổ tại nhà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh. Mặc dù hộ dân này đã bị kiểm tra xử phạt nhiều lần nhưng việc vận chuyển, giết mổ heo chết vẫn diễn ra công khai.
Một người dân trong ấp cho biết: “Từ trước tới nay, hàng ngày ông Ánh vẫn lấy heo chết ở các trang trại về mổ. Chúng tôi cũng làm đơn đưa huyện nhưng chưa giải quyết. Hôm trước, huyện xã về lập biên bản xong cũng thôi, chẳng thấy gì cả".
Đây chỉ là một trong nhiều điểm mổ heo chết công khai tại vùng chăn nuôi heo lớn nhất Đồng Nai – huyện Thống Nhất. Ở đây không khó để tìm thấy những biển báo thu mua heo chết treo dọc đường. Chủ một trang trại tiết lộ, heo chết có 2 loại: một do heo bị thương tích (thường là do cắn nhau), 2 là heo bị bệnh. Theo quy định thú y, heo bệnh, heo chết phải được tiêu hủy bằng cách chôn lấp, khử trùng bằng vôi bột... nhưng thực tế chẳng ai làm vậy. Chỉ cần gọi điện thoại sẽ có người đến lấy. Nếu heo chết vì bệnh thường cho không vì khỏi mất công, tốn chi phí đào hố tiêu hủy, nhưng heo sau khi mang ra khỏi trang trại, đi đâu làm gì thì không ai biết. Thông thường, người xin heo chết nói mua về nuôi cá, nhưng cũng không loại trừ được chế biến cho… người. Chủ trang trại này thậm chí còn cảnh báo: Đừng dại ăn thịt heo quay sẵn bán ở ngoài chợ!

Công khai chở heo chết (ảnh chụp tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất).
Ở Thống Nhất người ta dễ dàng bắt gặp cảnh vận chuyển những con heo nặng hàng trăm kilogram tím tái – dấu hiệu heo bệnh chết bằng xe máy công khai ngoài đường. Nhưng sự can thiệp của cơ quan thú y là không đáng kể, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những con heo chết luôn chực chờ.
Phường Long Bình, TP. Biên Hòa được coi là điểm nóng về giết mổ lậu. Các cơ sở giết mổ thường hoạt động bí mật, khó tiếp cận. Chính quyền địa phương và cơ quan thú y thường chỉ phát hiện bắt quả tang nhờ tin báo của người dân. Song vì lợi nhuận, chủ các cơ sở này dù phạt nhiều lần nhưng vẫn bất chấp tái phạm. Nguy hiểm hơn, đây cũng chính là những cơ sở sẵn sàng giết mổ, buôn bán cả heo bệnh, mà điển hình là vụ giết heo lở mồm long móng ngày 21/9 vừa qua tại cơ sở của bà Trịnh Thị Thơm. Theo ông Trịnh Quốc Thịnh, cán bộ phường Long Bình, lo ngại nhất là lượng thịt heo bệnh này sẽ được đưa vào các quán cơm giá rẻ hoặc các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho công nhân.
Ông Thịnh nói: “Cái quan tâm nhất của phường là bây giờ ngại nhất những trường hợp người ta đưa heo bệnh về, không dám bán ở cửa hàng mà đưa vào các nhà bếp xuất ăn công nghiệp, nguy cơ công nhân ăn không đảm bảo”.
Tại sao heo lậu vẫn có đất sống?
Một số tiểu thương bán lẻ thịt heo cho biết, ở chợ đầu mối không mấy ai quan tâm đến việc heo có dấu, có giấy kiểm dịch hay không mà chủ yếu là cạnh tranh nhau về giá, chất lượng thịt heo thì nhận định bằng mắt thường. Heo bệnh, heo chết thì gần như không thể “ra chợ” bởi rất dễ nhận biết, nhưng heo mổ lậu hay heo mổ ở lò mổ hợp pháp thì không quan trọng, miễn là được giá tốt.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hương nói: “Tôi bán thì phân biệt được nhưng người dân khó có thể phân biệt được. Người ta cứ nói tôi mổ ở lò đàng hoàng đấy nhưng thực ra người ta đâu có mổ ở lò. Như ở chợ của em cũng rất nhiều, nhiều người không làm ở lò, mổ ở nơi khác linh tinh vì giá nó rẻ hơn”.

Thông báo mua heo chết treo công khai (ảnh chụp tại huyện Thống Nhất).
“Ra đến chợ đầu mối, heo lậu hay heo từ lò mổ có phép là như nhau” – một chủ lò mổ hợp pháp ở TP. Biên Hòa khẳng định như vậy và cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến cho lò mổ heo lậu vẫn có đất sống. Người này cho biết, nếu giết mổ qua lò, chủ heo sẽ phải mất chi phí ít nhất 30.000 đồng cho mỗi đầu heo bao gồm phí thuê lò, nhân công và sẽ được cán bộ thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch trước khi vận chuyển tới chợ đầu mối. Nếu mỗi ngày chủ heo giết mổ chỉ 10 con, thì một tháng sẽ phải tốn khoảng gần 10 triệu chi phí lò, trong khi mổ lậu, mổ tại nhà thì hoàn toàn không tốn kém. Và cũng chỉ có làm lậu, làm tại nhà mới có “dám” mổ heo bệnh, heo chết.
Lý giải việc khó dẹp lò mổ lậu, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y – Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai) thông tin, giết mổ heo lậu, đặc biệt là heo bệnh chế tài hiện nay vẫn chủ yếu dừng lại ở mức tiêu hủy và xử phạt hành chính, trong khi việc này mang lại lợi nhuận rất lớn nên chủ lò heo lậu bất chấp vi phạm.
Cũng theo ông Trần Văn Quang, hiện việc quản lý các cơ sở giết mổ đã được giao cho địa phương, tuy nhiên nhiều nơi việc quản lý vẫn lỏng lẻo khiến các lò mổ heo lậu vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và tác động xấu đến nỗ lực quy hoạch chăn nuôi – giết mổ tập trung của tỉnh Đồng Nai./.