Tết Nguyên đán đang đến gần, những ngày này, nghệ nhân Phùng Đình Giáp, 67 tuổi ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành (Bắc Ninh) cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Điểu vẫn đang miệt mài nặn và vẽ những mẫu phỗng đất, phục vụ thị hiếu người chơi dịp Tết. |
Những chú heo nhỏ nhắn được nặn và tô vẽ bởi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân đã gắn bó với nghề hơn nửa thế kỷ. |
Nghệ nhân Phùng Đình Giáp cho biết, bộ phỗng truyền thống được nặn hoàn toàn bằng đất, có 5 hình tượng gồm chim, rùa, người già, em bé và đức Phật. Đây cũng là món đồ chơi được nhiều trẻ em yêu thích dịp Trung thu. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị hiếu chơi phỗng ngày Tết tăng cao, nghệ nhân sáng tạo thêm các hình tượng 12 con giáp, tùy thuộc theo từng năm. |
Để đón năm Kỷ Hợi, nghệ nhân đã tạo ra hàng loạt các mẫu phỗng đất hình heo. "Mỗi mẫu đều được nặn bằng tay, nên mỗi phỗng sẽ có một dáng vẻ khác nhau, có con mõm dài, mõm ngắn, biểu cảm sắc mặt cũng không giống nhau. Màu sắc có thể là vàng hoặc đỏ. Điểm chung là trên mình mỗi phỗng hình heo đều có xoáy âm dương, thể hiện sự hòa hợp, mong một năm mới thuận hòa, phát triển, vạn sự thịnh", nghệ nhân Giáp cho biết. |
Ông Giáp cho hay để làm được phỗng đất phải trải qua 7 công đoạn. Trước hết, người làm cần chọn được đất thó hay còn gọi là đất sét, đem phơi khô, giã nhỏ, ngâm cùng với giấy bảng để tạo ra hỗn hợp nhuyễn và nhừ. |
Đất và giấy sau khi ngâm phải đảm bảo độ nhuyễn. |
Mỗi phỗng đất đều được nghệ nhân nặn tỷ mỉ bằng tay. |
Để làm ra phỗng đất, người làm cần chuẩn bị hồ điệp trắng nấu từ bột gạo. |
Người thợ phủ lớp bột điệp trắng lên thân phỗng trước khi vẽ màu. |
Vẽ màu là bước cuối cùng để hoàn thiện một mẫu phỗng. |
Làm phỗng cầu kỳ là thế, nhưng mỗi bộ phỗng cũng có giá khoảng vài trăm ngàn đồng, hoặc mua lẻ chỉ vào chục ngàn đồng. Những năm gần đây, nhiều người đang dần quay về với thú chơi dân gian, đậm nét truyền thống này. |