Trong những ngày giữa tháng 8 vừa qua, anh Bá Văn Ân - Trưởng thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã gác lại công việc nhà của mình để cùng với các đoàn thể và thầy cô giáo Trường THCS Phan Hòa đi đến tận nhà các em học sinh để thông báo ngày tựu trường năm học mới 2019-2020.
Thầy và trò Trường TH Lạc Tánh 3 vệ sinh trường lớp chuẩn bị ngày tựu trường. |
Không để bị động như các năm trước, sau ngày tựu trường 19/8 nếu em nào vẫn chưa đến trường thì giáo viên cùng chính quyền địa phương đến gặp phụ huynh để vận động cho con em đến trường. Bởi 2 tháng hè, nhiều em đã vào thành phố HCM làm việc. Thấy làm có tiền, một số phụ huynh đã cho con em mình nghỉ học để đi làm.
Ông Ân cho biết: "Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là gia đình khó khăn, thứ hai các em học quá yếu nên nản, thứ ba ở đây có người môi giới dụ các em vào thành phố làm thuê. Sau khi nhà trường thông báo về thôn rồi, học sinh đó tên gì, con ai thì thôn có thành lập ban và đi đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân".
Ngày tựu trường của học sinh Trường TH và THCS La Ngâu. |
Năm học mới 2019-2020, Trường THCS Phan Hòa có gần 700 học sinh, những ngày tựu trường vừa qua (19/8) hơn 50 em vắng mặt. Thầy Nguyễn Văn Liêm - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Hòa cho biết, do một số em đi làm ở Sài Gòn chưa về kịp, các em khác theo cha, mẹ đi làm rẫy ở xa không nhận được thông báo,… nhà trường tiếp tục cùng với chính quyền địa phương đi vận động. Nhưng cái khó là một số phụ huynh còn lơ là việc học của con cái mình và một phần do hoàn cảnh khó khăn.
"Đối với học sinh địa phương đa số là người dân tộc rất khó khăn, ngoài học phí ra các em vẫn phải đóng các khoản khác như BHYT, hiện nay BHYT bắt buộc, vì vậy mong Nhà nước quan tâm xem xét hỗ trợ học phí của con em người Chăm nói chung và xã Phan Hòa nói riêng, có thể giảm phần nào không để cho các em đến trường đầy đủ hơn", ông Liêm cho hay.
Cũng như vùng đồng bào dân tộc Chăm, trong năm học mới này, nhiều điểm trường tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trong tỉnh Bình Thuận đang đối mặt với những khó khăn như: Tiền trợ cấp cho học sinh 140.000 đồng/tháng sẽ bị cắt, cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày...
Trường Tiểu học Đồng Me đóng trên địa bàn thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh có tổng số 140 học sinh. Tất cả là con em dân tộc J’Rai, trong đó học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo chiếm một nửa. Trước đây, tất cả học sinh của trường được hưởng chế độ theo Quyết định số 93/2008/QĐ-UBND, ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận về chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã, miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các em có tiền mua sắm quần áo, giày dép, dụng cụ học tập, mua bảo hiểm tai nạn và đóng các khoản khác… Năm học mới 2019- 2020, Quyết định số 93 sẽ không còn hiệu lực, các em học sinh cũng như phụ huynh sẽ gặp không ít khó khăn.
Học sinh Trường TH Đồng Me nhận xe đạp từ phía các nhà hảo tâm nhân dịp năm học mới. |
Bên cạnh đó, theo chủ trương của Sở Nội vụ, trong năm học 2019 - 2020 sẽ giảm biên chế lớp học của một số trường, trong đó Trường Tiểu học Đồng Me từ 140 học sinh chia cho 10 lớp, nay giảm xuống chỉ còn 5 lớp.
Cô Đặng Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Me, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết, việc sắp xếp này vô cùng khó khăn cho việc dạy và học đối với học sinh dân tộc thiểu số vì tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của các em. Nhất là học sinh mới vào lớp 1 rất nhiều em chưa biết nói tiếng Việt.
Theo cô Hòa, không nên biên chế định mức 35 học sinh/lớp theo mặt bằng chung cả nước, vì đây là học sinh dân tộc thiểu số, có nhiều hạn chế riêng nên cần biên chế không quá 20 học sinh mỗi lớp theo Công văn 9890 của Bộ GD&ĐT về bố trí 1 lớp học đối với vùng đặc biệt khó khăn.
Cô Hòa cho biết thêm: "Cần xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế, việc sắp xếp học sinh trên lớp học theo định mức là cần thiết nhưng rất mong lãnh đạo Phòng và Sở Nội vụ quan tâm đến các vùng đặc thù, vùng thuần học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn để sắp xếp sĩ số học sinh/lớp phù hợp nhằm duy trì sĩ số học sinh, hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học, nâng dần chất lượng giáo dục học sinh".
Hiện Bình Thuận có gần 22.000 hộ/98.000 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 8% dân số toàn tỉnh. Bà con sống tập trung ở 17 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số và 31 thôn xen ghép, chủ yếu miền núi, vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, phụ huynh phải đi làm thuê để có cái ăn qua ngày, nên việc chăm lo cho con cái học hành còn hạn chế.
Giờ trên lớp học ở Trường THCS Phan Hòa. |
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ngành giáo dục Bình Thuận, hiện ở cấp tiểu học, cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Tỉ lệ giáo viên dạy các môn chuyên vẫn còn thiếu so với yêu cầu. Việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh vẫn còn lúng túng và máy móc.
Để chất lượng giáo dục cho học sinh vùng dân tộc thiểu số được toàn diện, ngoài việc quan tâm tháo gỡ những hạn chế chung, ngành giáo dục Bình Thuận cần có những giải pháp khắc phục khó khăn tại các điểm trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn./.