Xã Tân Hóa là “rốn lũ” của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sống trong vùng lũ, từ kinh nghiệm thực tiễn người dân nơi đây đã nghĩ ra những giải pháp để chống chọi khi lũ về.
2 ngày sau trận lụt lịch sử, hàng trăm ngôi nhà ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa vẫn ngập đến nóc. Giữa dòng nước lũ, những ngôi nhà gỗ nổi trên mặt nước trở thành nơi che chở người dân khi hoạn nạn.
Ông Đinh Xuân Lai, ở xã Tân Hóa cho biết: “Mình dự trữ những cái gì mà khi trời mưa lũ cần có. Gạo có, mỳ tôm có, mình chuẩn bị lương thực khoảng 6,7 ngày”.
Là địa phương thường xuyên xảy ra mưa lũ, người dân xã Tân Hóa đã thiết kế những ngôi nhà nổi để tránh lũ. Nhà rộng khoảng 15 đến 20m2, được làm bằng khung gỗ, mái lợp tôn. Thay bằng việc cố định nhà trên mặt đất thì bên dưới nhà lắp đặt những chiếc thùng phuy rỗng, hoặc vật liệu nổi.
Hai bên góc nhà được định vị bằng sắt kiên cố. Khi nước lũ dâng cao, nhà sẽ tự động nổi theo, không lo sợ bị ngập, không bị nước cuốn trôi. Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa có khoảng 60% số hộ gia đình xây dựng nhà bè nổi chống lũ, kinh phí xây mỗi căn nhà như vậy từ 30-35 triệu đồng.
Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, nếu như không có nhà bè chống lũ này thì trong cơn lũ vừa qua thiệt hại về người và tài sản ở địa phương sẽ lớn hơn nhiều. Tân Hóa là vùng rốn lũ của Minh Hóa, nhà bè này rất thích hợp với địa hình trũng thấp ở địa phương, giúp dân chống lũ.
“Hiện xã có 668 hộ, trong đó có 320 hộ có nhà bè. Thậm chí có nhà 2 bè, có cột định vị là bè lên xuống một chỗ. Mục đích là để cứu người và tài sản, giống cho vụ sau. Nếu không có nhà bè thì khả năng tính mạng nhân dân do lũ gây ra là lớn hơn” – ông Ngô Thanh Đá nói./.