2 người ở tỉnh Bình Định thiệt mạng do mưa lũ là ông Lê Hữu Trân, ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Sáng 11/12, khi nước rút, ông Trân dùng sào đẩy đám lục bình, rều rác ra khỏi ruộng thì bất ngờ bị trượt chân, ngã xuống hố nước tử vong. Cùng ngày, ông Phạm Duy Quang, dân quân cơ động của xã Hoài Thanh, trong lúc vớt bèo bám vào thành cầu để khơi thông dòng chảy thì trượt chân ngã bị nước lũ cuốn trôi. Sau 30 phút, người dân địa phương tìm thấy nạn nhân, tiến hành sơ cứu nhưng đã quá muộn.

mua_1_vov_icay.jpg
Các lực lượng tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Như vậy, mưa lũ đã làm 5 người ở tỉnh Bình Định thiệt mạng, trong đó, 2 người ở huyện Hoài Nhơn và 3 người huyện Phù Mỹ. Cả 2 vợ chồng anh Trần Văn Điền và chị Lê Thị Phương Oanh, ở xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ đều bị mưa lũ cuốn trôi khi chị Oanh đang mang thai 6 tháng. Chính quyền địa phương đã đến chia buồn và hỗ trợ gia đình nạn nhân thiệt mạng mỗi người 5 triệu đồng.

Đội Thanh Niên xung kích vớt bèo, rều rác, khơi thông dòng chảy tại chân cầu ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

“Huyện đang kiểm tra, đánh giá thiệt hại và chỉ đạo các xã huy động các lực lượng dân quân, thanh niên giúp dân gia cố sa bồi thuỷ phá, đặc biệt là lúa giống để gieo sạ vụ đông xuân. Huyện xuất lúa dự trữ mưa bão để hỗ trợ cho dân gieo sạ vụ đông  xuân”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết.

Khắc phục giao thông bị sạt lở sau lũ tại Bình Định.

Triều cường, kết hợp nước dâng gây sạt lở nhiều vùng ven biển ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, tỉnh  Thừa Thiên Huế. Nặng nhất là bờ biển ở xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc với 4 km bờ biển bị xâm thực vào đất liền từ 5 đến 7m, đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân.

Bờ biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bị triều cường xâm thực gây sạt lở nặng.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, bờ biển này liên tục bị sạt lở, biển lấn sâu vào khu dân cư trôi đất sản xuất. Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2017, huyện Phú Lộc đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng xây dựng một kè tạm dài hơn 300m chống xói lở. Mấy ngày qua, triều cường đánh vào gây sạt lở nặng tại khu vực này.

Chính quyền địa phương xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc dùng bao cát làm kè tạm.

“Trong vòng một đêm bờ biển bị xâm thực từ 5 đến 7m, có một số vị trí gần Tỉnh lộ 21, chỉ cách tỉnh lộ 21 còn khoảng 15 đến 20m. Chúng tôi mong nhà nước, cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng kè biển kiên cố đê bao bờ biển toàn xã để đảm bảo đời sống bà con nhân dân”, ông Nguyễn Hữu cho biết.

Kè tạm bằng rọ đá dọc biển Vinh Hải làm trong năm 2017 bị triều cường đánh sập.

Đợt mưa lớn vừa qua đã làm Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bị sạt lở 20 điểm, đất, đá, cây cối đổ xuống đường bao quanh đảo Sơn Trà, gây cản trở giao thông.

Nhiều hàng quán, nhà dân dọc bờ biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc,tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị sập xuống biển.

Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, các cơ quan chức năng huy động lực lượng đến thu dọn đất đá, khắc phục tạm thời các điểm sạt lở đảm bảo giao thông; đồng thời đặt biển cảnh báo và cử người trực hướng dẫn người dân, du khách hạn chế di chuyển lên đỉnh núi khi mưa lớn.

“Đơn vị đã đặt biển báo khuyến cáo người dân cẩn thận khi đi qua điểm sạt lở. Nếu như thật sự không cần thiết thì không nên di chuyển lên Bán đảo trong những ngày mưa to, gió lớn để đảm bảo an toàn. Ban quản lý cũng gửi báo cáo đi, nhất là Sở Giao thông Vận tải để họ lên kế hoạch khắc phục, sửa chữa các điểm sạt lở cũng như các hầm do nước tạo ra", ông Phan Minh Hải cho biết./.