Theo đại diện Vietjet Air, trong tháng 9, máy bay của hãng từng vài lần đâm vào chim trời, phải đưa đi kiểm tra kỹ thuật, sửa chữa. Máy bay ngừng hoạt động gây chậm chuyến dây chuyền, ảnh hưởng đến hãng và khách hàng. Vietjet Air đã kiến nghị Cục Hàng không có biện pháp xua đuổi chim ở các sân bay, đặc biệt là vào mùa chim di cư.
Máy bay Vietjet bị hõm đầu do đâm phải chim trời tối 30/9. Ảnh:Otofun |
Năm 2014, các sân bay ghi nhận hơn 30 sự cố do chim va vào máy bay, phần lớn tại khu vực Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Lạt, Pleiku, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Rạch Giá... Hầu hết máy bay phải dừng hoạt động để sửa chữa nhiều ngày.
Theo ông Cao Văn Thái, Phó trưởng ban An ninh - an toàn, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), chim trời rất nguy hiểm. Khi va chạm với máy bay, chim có thể gây móp méo vỏ, nặng hơn có thể chui vào bánh lái, động cơ máy bay, phá hủy thiết bị khi máy bay đang bay tốc độ lớn, uy hiếp an toàn.
Hiện các cảng hàng không đã có kế hoạch xua đuổi chim, như: sử dụng súng bắn chim, có nơi dùng ná, bẫy thủ công. Cùng với đó là dọn khu sân bay để chim không có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp đuổi chim nhỏ tầm thấp, còn rất khó đuổi chim to trên cao, sân bay ở rừng núi thì càng có nhiều chim.
Nói về thiết bị đuổi chim tầm cao, đại diện ACV cho biết, một số đoàn của ACV từng sang Singapore học tập kinh nghiệm đuổi chim của nước này, song đặc thù địa hình đồi núi của Việt Nam rộng lớn, nên thiết bị đuổi chim của Singapore đã không phát huy hiệu quả tại Việt Nam.
Đại diện Cục Hàng không cũng cho biết, hiện các sân bay đã làm tốt công tác đuổi chim song thường các vụ va chạm xảy ra khi máy bay đang hạ hay cất cánh. Có nghĩa là chim không va đập trong sân bay mà thuộc khu vực lân cận với bán kính 8 km. Do đó, các cảng hàng không cần phối hợp với địa phương dọn sạch nơi trú ngụ của chim như ao hồ, cây cối... ở khu vực lân cận đường máy bay cất, hạ cánh.
"Các biện pháp đuổi chim hiện nay chỉ giảm phần nào vụ va chạm với máy bay. Với đất nước nhiều rừng thì chúng ta rất khó đuổi chim trời, chưa kể một số sân bay gần các vườn chim như Cà Mau", đại diện Cục Hàng không nói.
Thời gian qua, Cục Hàng không đã có đề án mua thiết bị phát ra âm thanh xua đuổi chim, song thử nghiệm tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất không hiệu quả do các loài chim của Việt Nam có độ thích nghi nhanh. Ban đầu thiết bị này đã đuổi được nhiều chim, song một vài ngày chim không còn sợ những âm thanh này nữa. Do đó, thiết bị đuổi chim hiện đại đã không được nghiệm thu.
Nhằm ngăn chặn tình trạng chim va chạm với máy bay, ngày 1/10 Cục Hàng không sẽ ra văn bản chỉ đạo các cảng hàng không tăng cường đuổi chim tại các sân bay, đặc biệt vào các mùa chim di cư./.