Mấy năm nay, 21 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ nơm nớp lo sợ, vì nhà cửa bị nứt, đe dọa mất an toàn.

Nguyên nhân được xác định là do đơn vị thi công gói thầu CW3B – xây dựng đường nối cầu Vàm Cống gây ra, nhưng các bên liên quan vẫn đùn đẩy, chưa bồi thường thiệt hại.

an_nut_nha2_vov_ziyo.jpg
Những vết nứt ở trên tường. Người dân mòn mỏi chờ đợi bồi thường để sửa chữa.

Được khởi công cách đây gần 3 năm, gói thầu CW3B – xây dựng đường nối cầu Vàm Cống – Dự  án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông do Tổng Công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.

Trong quá trình thi công đến tháng 10/2017, một số hộ dân trong khu vực phát hiện nhà cửa có dấu hiệu bị lún, nứt, nên báo chính quyền địa phương và đơn vị thi công khắc phục. Tuy nhiên, đến nay công trình thi công đã hoàn thành còn nhà dân thì hư hại, xuống cấp, mất an toàn. Nhiều người bức xúc gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Em, ở ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh cho biết, vào tháng 10/2017, ông phát hiện các vết nứt ở nhà nên báo chính quyền địa phương và đơn vị thi công. Ủy ban xã Vĩnh Trinh đã họp dân và mời đại diện công ty nhưng nhiều lần công ty không cử người đến dự.

“Nhà cửa nứt tùm lum, mỗi lần mưa giông thì tôi cũng sợ, nó nứt sập bất thường đâu có biết, thành ra ăn ngủ không yên. Mới đây cũng có công văn của công ty Cửu Long nói 5 -6 lần nói bảo hiểm Quân đội, chỉ đổ thừa hoài, dân tôi chịu ảnh hưởng vậy sao”, ông Văn Em nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai cho rằng, các vết nứt xuất hiện đóng cọc và lu công trình

Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Mai, ở ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh xuất hiện các vết nứt, lún từ khi công trình đường dẫn khởi công. Không những phải "bấm bụng" chịu đựng tiếng ồn của các loại xe máy suốt ngày đêm và bụi bặm trong mấy năm qua, gia đình bà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nhà sập, tường đổ.

Cũng như hai chục hộ trong ấp, bà Mai phản ánh tới chính quyền nhưng đến nay không thấy tổ chức, cá nhân nào đền bù thiệt hại.

Hỏi phía công ty xây dựng thì họ nói chờ bảo hiểm. Mà bảo hiểm ở đâu, mức đền bù thế nào, bà cũng chẳng được gặp để trình bày, nên rất bức xúc.

“Nhà ở tự mình làm, nếu có hư hỏng thì tự mình sửa, còn đằng này ảnh hưởng từ công trình thì công trình phải có trách nhiệm. Vì lúc đầu khi mà họp dân ở đây nếu mà thí dụ có ảnh hưởng đến nhà cửa của dân thì có bảo hiểm bồi thường hết, cứ yên tâm để cho công trình người ta làm. Mình cũng ở mình chờ, chờ công trình đến mấy năm nay chứ không phải là mới, khi thấy gần hoàn thành rồi không thấy ai tới, hỏi người này đổ người kia”, bà Mai chia sẻ.

Nhà của bà Nguyễn Thị Kim Mai gần công trình nên xuất hiện nhiều vết nứt

Một số hộ dân do điều kiện khó khăn không đủ kinh phí để sửa chữa, còn những hộ có điều kiện muốn sửa nhà nhưng lo ngại khi sửa xong có được bồi thường hay không? 

Ông Trần Văn Thông - một trong 21 hộ dân chia sẻ, gia đình ông đang sống yên ổn bao năm qua, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường.

Kể từ khi thi công đường nối cầu Vàm Cống, nhà cửa hư hỏng đã làm đảo lộn cuộc sống. Không chỉ lo lắng mất an toàn, nhà ông còn có cháu nhỏ nên muốn sửa chữa cũng không có tiền. Hoặc sửa chữa làm thay đổi hiện trạng sẽ không được bồi thường.

Ông Thông cùng những người dân trong ấp đã nhiều lần đến Văn phòng đơn vị thi công, nhà thầu của Tổng Công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

“Đã ra tới công ty nhưng không giải quyết gì được, chỉ đổ cho người không có trách nhiệm không à, chúng tôi nói thi công hư thì anh phải chịu trách nhiệm rồi công ty đổ cho bảo hiểm. Bây giờ sửa thì cũng không dám sửa, sửa mất dấu tích làm sao bằng chứng đâu mình nói”, ông Thông nói.

Nhiều lần UBND xã mời công ty đến họp mà không thấy

Theo ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Khi dân trình báo hiện tượng nứt nhà, địa phương và đơn vị thi công đã đi khảo sát để có phương án bồi thường. Địa phương cũng đã mời Tổng Công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đến làm việc nhiều lần nhưng người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp này không đến mà chỉ cử cán bộ coi công trình đến tiếp xúc mà không giải quyết được gì, khiến cho bà con càng bức xúc.

“Đối với 21 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thi công cầu Vàm Cống, phía địa phương rất quan tâm đặc biệt trong khoảng thời gian gần đây do ảnh hưởng thời tiết, mưa bão cho nên là người dân rất là lo lắng sợ ảnh hưởng, nếu có vấn đề gì gây thiệt hại rất lớn đối với bà con nông dân. Về phía địa phương chúng tôi có làm giấy mời nhiều lần đối với công ty Cửu Long không đến dự các buổi họp để giải quyết hỗ trợ, bồi thường cho bà con”, ông Đông Xuân bày tỏ.

Dù đã gõ cửa nhiều nơi nhưng người dân cũng chỉ biết chờ đợi

Trao đổi với phóng viên VOV, đại diện phía Tổng Công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, công ty đang  làm việc và đã có văn bản gửi Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC) - là đơn vị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. 

Nguyên nhân gây hư hại nhà dân và trách nhiệm đã rõ, 21 hộ khu vực này vẫn đang ngày đêm chờ đợi. Tuy nhiên, đã hàng năm nay Tổng Công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải) và Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC) vẫn chậm trễ, đùn đẩy nhau trong việc xác minh bồi thường. Và phần thiệt lại thuộc về người dân./.