Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa tìm ra chủ nhân số heo chết bị vứt trên các công trình thủy lợi tại huyện Cam Lâm. Trước đó, sáng ngày 3/3, người dân địa phương phát hiện 18 con heo chết, thả trôi lềnh bềnh trên hồ chứa nước Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Cùng ngày, 20 con chết, tiếp tục được phát hiện trên kênh chính nam của hồ chứa nước Cam Ranh, xã Cam Hiệp Bắc. Phần lớn số heo chết đều từ 70-90kg, được đánh dấu màu đỏ, khi phát hiện đã trương sình, phân hủy nên không thể lấy mẫu để xác định bệnh.

vov_lon_1_zmum.jpg
Heo chết thả trôi trên mương ở Cam Lâm.
Cơ quan chức năng đã chôn lấp số heo chết và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng khu vực phát hiện heo chết cũng như khu vực chôn lấp. Huyện Cam Lâm đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh tại các hộ chăn nuôi heo ở 5 xã lân cận, yêu cầu các hộ chăn nuôi thông báo tình hình tăng, giảm đàn trong thời gian qua.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, đang xác minh thông tin số heo chết do xe tải mang biển kiểm soát của địa phương khác chở đến vứt xuống đây: "Ở hồ Suối Dầu, bà con có phát hiện chiếc xe mang biển số 34 chở heo trên hồ Suối Dầu. Trong những ngày đó, xe số 76 chở lượng heo lớn, dừng tại cầu vượt Suối Cát, bán cho các lò mổ địa phương. Số heo chết đó chưa rõ, Công an huyện đang điều tra việc này. Có phải số lượng heo đó, chở trên đường bị chết, thuê bà con đổ, đi chôn, rồi vứt như vậy".

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa chưa phát hiện dịch bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, tại xã Cam Tân, huyện Cam Lâm đã phát hiện bệnh lở mồm long móng. Tỉnh Khánh Hòa hiện có đàn heo lớn, các cơ sở chăn nuôi tập trung ở gần Quốc lộ 1A, thường xuyên có các xe tải vận chuyển heo từ phía Bắc vào Nam.

Các xác heo được thả trôi trên các công trình thủy lợi.
Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, ý thức phòng chống dịch của người dân vẫn còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các ngành, địa phương tập trung khống chế, kiểm soát tình hình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh heo và các sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn tỉnh. 
Hiện nay, các loại vật tư hóa chất tiêu độc, khử trùng, trang thiết bị bảo hộ lấy mẫu và các phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đã được ngành thú y sẵn sàng.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, ngành thú y vẫn còn chậm trễ trong việc nắm bắt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là nắm số lượng đàn heo cụ thể của từng hộ gia đình.

"Các huyện không chờ văn bản, khẩn trương về chỉ đạo, kiểm kê số lượng heo tại các hộ dân, để có sự giám sát, theo dõi, khoanh vùng khi có dịch bệnh xảy ra. Sắp tới, tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo để khẩn trương chỉ đạo, Chi cục Thú y thành lập các tổ giám sát, kiểm tra dịch bệnh tại các đường nối kết với tỉnh để giám sát các đàn lợn di chuyển bằng các phương tiện vào tỉnh Khánh Hòa", ông Vĩnh cho biết./.