Chương trình do Câu lạc bộ Từ thiện Quốc gia (NCC) tổ chức nhân kỷ niệm 87 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2017) với sự tham gia của hơn 10.000 người.
Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. |
Theo số liệu quốc gia công bố gần đây, có tới gần 60% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục. 90% phụ nữ bị bạo hành cho biết họ bị trầm cảm, sợ hãi, hoảng loạn, mất ngủ do bạo lực.
Trung bình cứ 2-3 ngày lại có 1 người Việt Nam bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em gái cũng đang diễn ra hết sức phức tạp và trở thành bức xúc trong xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1000 vụ xâm hại tình dục ở trẻ em gái.
Thông điệp Phụ nữ là để yêu thương - Hãy cầm tay thay cho vung tay được hưởng ứng mạnh mẽ. |
Phát biểu khai mạc chương trình, Ths Phạm Văn Tới, Chủ nhiệm CLB Từ thiện Quốc gia, Trưởng ban tổ chức cho biết: “Việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía gia đình và dịch vụ công, 1 số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ vạch áo cho người xem lưng, nên còn e dè, chưa muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng. Nhiều người trong số họ không muốn con trẻ bị tổn thương, nhiều quan niệm cho rằng đó là dạy vợ, dạy con”.
Màn nhảy Flashmob trong phần mở đầu chương trình. |
Cũng theo anh Nguyễn Văn Tới, do không nhận thức đầy đủ về bạo lực gia đình, cộng thêm tâm lý xấu hổ, em ngại nên rất nhiều phụ nữ bị bạo lực, cam chịu, im lặng và chỉ tìm đến các cơ quan chức năng khi mức độ bạo lực đã quá nghiêm trọng.
Đây là năm đầu tiên Câu lạc bộ Từ thiện Quốc gia tổ chức chương trình liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái. "Với thông điệp “Phụ nữ là để yêu thương – Hãy cầm tay thay cho vung tay”, chúng tôi muốn nói rằng phụ nữ cần được che chở, được yêu thương, chứ không phải chịu đựng những cú đấm, những cái bạt tai từ chính những người thân yêu của mình", anh Tới chia sẻ.
Truyền tải thông điệp ý nghĩa, giàu tính nhân văn, chương trình đã thu hút sự tham gia, quan tâm của công chúng ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Dù đã gần 60 tuổi, cô Đinh Thị Lan, vẫn lặn lội từ Sơn La về Hà Nội tham gia chương trình. Chia sẻ cảm xúc khi được cùng cất lên thông điệp bảo vệ phụ nữ với hàng ngàn người khác, cô Lan cho biết: “Tôi mong muốn được đóng góp một tiếng nói vào việc phản đối bạo hành phụ nữ và các em gái cũng như các hành động xâm phạm quyền trẻ em nữ.
Trong cuộc sống hàng ngày, ngay tại địa phương tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp chị em phụ nữ bị bạo hành dã man. Những phụ nữ không được chồng tôn trọng thì rất nhiều. Đặc biệt ở những huyện vùng núi, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, tình trạng này càng phổ biến. Nhiều nam giới vẫn có tư tưởng dùng roi vọt để dạy vợ, dạy con. Tôi mong rằng tiếng nói của hàng ngàn người hôm nay sẽ góp phần giúp xã hội nhận ra rằng phụ nữ và trẻ em gái là để yêu thương và trân trọng”.
Nguyễn Hán Hoàng sinh viên năm thứ ba trường ĐH Công Nghệ Giao Thông Vận Tải cho biết: “Thực trạng về bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang diễn ra, em nghĩ rằng, thay vì dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề, nam giới cần bình tĩnh mỗi khi có mâu thuẫn, hay những vấn đề bức xúc với phụ nữ. Em hy vọng mọi người có thể thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương những người phụ nữ xung quanh mình nhiều hơn./.
Nhiều phụ nữ Việt bị quấy rối tình dục
Mỗi năm phụ nữ mất gần 7 tháng cho các "công việc không lương"