Rau không an toàn vẫn đang là vấn đề khiến người tiêu dùng quan tâm, lo ngại bởi hàm lượng chất độc hại có trong rau củ, quả luôn vượt ngưỡng cho phép. Tại Hà Nội, để đảm bảo cung cấp nguồn rau an toàn cho người dân, ngành chức năng sẽ tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất rau sạch trong thời gian tới.Hà Nội hiện có 12.000 héc-ta đất canh tác rau an toàn, sản xuất trên 40 loại rau. Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng rau xanh của Hà Nội là gần 3.000 tấn/ngày thì lượng rau sản xuất được mới đáp ứng khoảng 60%. Lượng rau còn lại được cung cấp từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Lào Cai…

Mạng lưới tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội được phát triển với gần 100 cửa hàng, hơn 80 điểm phân phối tại khu dân cư, cơ quan và 35 siêu thị. Song, quá trình sản xuất, lưu thông và quản lý rau trên thị trường còn nhiều bất cập đã khiến sản phẩm rau sạch bị trà trộn với rau không an toàn, không nguồn gốc. Điều này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, làm cho sản phẩm sạch khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Đơn cử như trường hợp, Công ty cổ phần Rau củ quả Trung Thành (Vân Nội, Đông Anh), đơn vị được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn cách đây không lâu đã bị Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát hiện đang giao rau không rõ nguồn gốc cho 7 trường mầm non tại quận Tây Hồ. Hay trước đó, nhiều siêu thị ở Hà Nội đã bị phát hiện bán rau không rõ nguồn gốc gắn mác rau an toàn khiến người tiêu dùng thêm mất lòng tin vào thị trường rau sạch.Trước tình trạng rau sạch, bẩn hỗn loạn trên thị trường hiện nay, Hà Nội đang tích cực triển khai mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng rau an toàn.Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: "Nếu làm tốt và có sự kết hợp theo chuỗi thì sẽ có sự minh bạch ở đây. Khi đã kết hợp thành hệ thống chuỗi rồi, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng thì sự phối hợp giám sát cũng như hệ thống rau an toàn mà chúng tôi đang vận hành, sẽ là công cụ chứng minh sự minh bạch cũng như truy suất nguồn gốc xuất xứ đến tay người tiêu dùng. Đây là công cụ chứng minh minh bạch nhất về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm."Ông Trần Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển chuỗi liên kết thực phẩm sạch Việt Nam (MR Sạch) cũng cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với Sở Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp, các sở ban ngành để quy hoạch những vùng ổn định để chuyển giao công nghệ, hướng dẫn bà con thu hái, trồng trọt các sản phẩm về nông nghiệp nói chung để làm sao đạt được dinh dưỡng và đưa đến người tiêu dùng... Đặc biệt, chúng tôi sẽ phải tính toán làm sao để bà con nông dân phải có nguồn thu ổn định... Chúng tôi sẵn sàng mua ở mức giá để người nông dân sản xuất làm sao phải có kết quả, hy vọng người tiêu dùng cũng ủng hộ và yên tâm các sản phẩm chúng tôi làm ra đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng."

co_so_rau_an_toan_vovgt_bich_26_3_fuoh.jpg

Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau "bẩn" và rau an toàn. Tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%. Do lợi nhuận nên một bộ phận người trồng rau đã dùng chất kích thích để rau phát triển mạnh, rút ngắn thời gian thu hoạch, bỏ qua thời gian cách ly bắt buộc đối với rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Các chất độc có trong rau, củ quả là một trong những tác nhân gây nên các bệnh ung thư gan, thận, thực quản, dạ dày…Để hạn chế tình trạng rau không nguồn gốc xuất hiện và trà trộn với rau an toàn trên thị trường, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng rau an toàn, giám sát theo chuỗi theo toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển và tiêu thụ.Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thời gian tới, một trong những hành động mạnh tay sẽ được cơ quan này triển khai, đó là thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt về điều kiện pháp lý để kinh doanh, sơ chế đóng gói rau an toàn, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra việc ghi nhãn, dán tem nhận diện sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn."Chúng tôi sẽ tránh ảnh hưởng của hàm lượng nitorat trong rau bằng cách hướng tới không bón phân hóa học, nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng việc cải tạo đất đó là bón toàn bộ bằng đậu tương.... Hướng mới là truy xuất nơi cung ứng rau là phải chứng minh được hồ sơ, quản lý bằng bản mềm, máy tính là rau của hộ đó đã sử dụng thuốc như thế nào. Nhìn vào hồ sơ là biết rau có an toàn hay không", ông Nguyễn Duy Hồng nói.Rau an toàn nhưng chưa thực sự an toàn là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý phải vào cuộc gắt gao hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng, quy trình sản xuất. Mặt khác, cần có chế tài xử lý nghiêm với những hộ sản xuất, kinh doanh rau không an toàn. Đồng thời, từng bước quản lý rau của các địa phương tiêu thụ tại Hà Nội để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng./.