Cũng từ thời điểm này, xe máy điện khi đi đăng ký phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc của xe và phải chịu thuế trước bạ.

Những ngày cuối tháng 6, lượng người đi đăng ký xe máy, mô tô điện tại Hà Nội tăng vọt khi thời điểm xử phạt xe không đăng ký đã cận kề.

Đổ xô đăng ký vào những ngày cuối tháng

Lượng người đi đăng ký xe máy điện tại Công an quận Long Biên ngày 29/6 khá đông. Chị Hà Thị Lan (Thượng Thanh, Long Biên) cho biết, xe máy điện chị mua bán theo kiểu “tiền trao cháo múc”, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

“Biết được thông tin sau ngày 1/7, xe máy điện khi đi đăng ký phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên sáng nay tôi phải xin nghỉ làm để đi đăng ký, nhưng do chưa tìm hiểu kỹ thông tin, tôi không mang theo hộ khẩu. Lượng người đông như thế, giờ về lấy hộ khẩu chắc quay ra không kịp, đành buổi chiều đi sớm vậy” - chị Lan chia sẻ.

vov_xe_dien_lxys.jpg
Những ngày cuối tháng 6, lượng người đăng ký xe máy, mô tô điện ở Hà Nội tăng đột biến.
Đợi cả tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt, anh Nguyễn Văn An (Ngọc Lâm, Long Biên) cho biết: “Nếu không đăng ký nhanh thì sau ngày 1/7 lại phải nộp thuế trước bạ, cũng mất mấy triệu. Hơn nữa, xe tôi mua lại của người ta, giấy tờ cũng không rõ ràng sợ sau ngày 1/7 không đăng ký được”.

Lượng người đến đăng ký xe máy điện tại Công an quận Hoàn Kiếm những ngày cuối tháng 6 cũng tăng đột biến. Anh Đỗ Văn Hùng (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Khi mua xe cho con tôi cứ ngỡ đó là xe đạp điện, không cần phải đăng ký. Nghe mọi người nói xe của tôi là xe máy điện, tôi vội vàng đưa xe đi đăng ký mà đông quá. Tôi nộp hồ sơ từ hôm trước, hôm sau đến làm biển số để đỡ phải mất công chờ đợi lâu”.

Theo Trung tá Đào Văn Xuyên, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), càng đến gần ngày 1/7, lượng người đến đăng ký xe máy điện càng đông, mỗi ngày đội phải giải quyết khoảng 300 xe, tăng gấp 10 lần trước đó. Đội đã phải tập trung toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tăng ca để giải quyết hồ sơ cho người dân.

Cẩn thận khi mua xe

Sau ngày 30/6, khi đi đăng ký xe máy điện, ngoài việc phải nộp thuế trước bạ, chủ xe phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe, vì thế người dân cần thận trọng tìm hiểu nguồn gốc của xe khi mua, tránh tình trạng bỏ tiền mua xe mà cuối cùng xe không được lưu hành. Ngoài ra, không ít người dân muốn mua xe đạp điện để khỏi phải đăng ký nhưng do không phân biệt được thế nào là xe đạp điện, thế nào là xe máy điện nên thay vì mua xe đạp điện, họ đã mua nhầm xe máy điện.

Chị Đỗ Thị Thu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 12, cháu sẽ phải đi lại nhiều đến các địa điểm học thêm. Để con đỡ mất sức khi đi lại, tôi định mua cho con xe đạp điện nhưng đến cửa hàng bán xe, sau khi nghe họ tư vấn, tôi vẫn chưa phân biệt rõ thế nào là xe đạp điện, thế nào là xe máy điện”.

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, thực chất xe máy điện, mô tô điện là xe cơ giới được quản lý chặt chẽ trong Luật Giao thông đường bộ và cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý chất lượng xe là Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, do thời gian đầu, lượng xe lưu hành ít, người kinh doanh, người dân và cả cơ quan quản lý chưa hiểu rõ vấn đề dẫn đến việc để tồn tại nhiều xe máy điện, mô tô điện tham gia giao thông mà không tiến hành thủ tục đăng ký.

Đối tượng đi xe máy, mô tô điện chủ yếu là học sinh, sinh viên nên nhà trường cần phối hợp tuyên truyền để các em biết được sự cần thiết phải đưa phương tiện đi đăng ký.

“Cảnh sát giao thông không muốn xử phạt học sinh, sinh viên bởi các em còn đang đi học, xử phạt thì các em không có tiền nộp phạt, mà giữ phương tiện thì các em đến trường muộn giờ. Vì thế, phụ huynh nên có ý thức đi đăng ký xe trước khi cho con mình sử dụng để con đỡ gặp những phiền toái không đáng có” - ông Tạo lưu ý./.