Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lao động khi về già không có lương hưu đang tăng lên. Đây là tình trạng đáng báo động dẫn tới khó có khả năng thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) lên 50% vào năm 2020.

vov_cong_nhan_hojz.jpg
Người lao động sẽ thiệt thòi khi chọn hưởng BHXH một lần.

Chị Lê Thu Hương, 35 tuổi ở Phú Thọ, đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long tham gia đóng bảo hiểm xã hội được 15 năm và đang làm thủ tục để hưởng một lần. Chị Hương cho biết, do sắp phải nghỉ việc vì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nên chị muốn nhận BHXH một lần để có vốn mở cửa hàng kinh doanh. Dù biết rằng đóng thêm 7 năm nữa sẽ được hưởng lương hưu và chế độ BHYT nhưng nếu muốn đóng tiếp cũng không biết phải đóng ở đâu, thủ tục sẽ thế nào.

Chị Lê Thu Hương nói: “Cũng có nhiều người muốn đóng tiếp để sau này có lương hưu khi về già. Thế nhưng khi nghỉ thì doanh nghiệp bắt mình phải lấy luôn chứ không cho mình đóng tiếp. Mình muốn đóng cũng phải thông qua doanh nghiệp, nhờ họ đóng cho mình chứ chúng tôi cũng không biết chỗ nào để trực tiếp đến đóng. Khi mình nghỉ thì phải lấy hết. Khi đã nghỉ rồi, lúc có việc cần như kinh doanh cần vốn lớn hay việc gia đình, ốm đau, bệnh tật thì cũng cần tiền để chi tiêu”.

Đóng BHXH để nhận lương hưu khi về già và hưởng chế độ BHYT.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 13 triệu lao động tham gia đóng BHXH, chiếm 24% tổng số lao động. Từ năm 2013 đến năm 2016, cả nước có 2,5 triệu người lao động xin lĩnh BHXH một lần. Dự báo, năm 2017 có gần 700 nghìn người, như vậy bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người rời xa quỹ hưu trí. Hiện số người nhận BHXH một lần tương đương số người tham gia mới vào hệ thống, đồng nghĩa với việc không hoàn thành mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH.

Theo bà Đinh Thu Hiền - Phó trưởng ban chính sách - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi người lao động chọn rời xa quỹ hưu trí, hưởng BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi: Người ta có nguyện vọng hưởng BHXH một lần nên trong những năm gần đây phải có đến 600 ngàn người lao động hưởng BHXH một lần điều đó cũng có nghĩa là những người này sẽ bị loại khỏi lưới an sinh xã hội, tức là sau này họ khó có cơ hội được hưởng lương hưu. Mà chính sách lương hưu mới là cốt lõi để đảm bảo an sinh xã hội cho họ khi về già”.

Theo BHXH Việt Nam, số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là công nhân khu công nghiệp. Khi nghỉ việc hoặc mất việc làm, họ thường không đóng tiếp mà xin nhận BHXH một lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này trong đó có việc nhiều doanh nghiệp tìm cách "thải loại" công nhân nhiều tuổi để tránh đóng BHXH. Trong khi đó, nhiều thay đổi trong chính sách BHXH thắt chặt quyền lợi của người lao động như: tăng thời gian đóng thêm 5 năm để hưởng tối đa lương hưu, dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu.... cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động chọn hưởng BHXH một lần. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam cho rằng, đây là tình trạng đáng báo động với các nhà quản lý chính sách. Bởi mục tiêu đến năm 2020 là mở rộng diện bao phủ BHXH lên 50% nhưng hiện tại mới có 24% người lao động tham gia BHXH. Trong khi đó, ngày càng nhiều người rời khỏi lưới an sinh xã hội, mất chỗ dựa khi về già.  

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cho biết: “BHXH là trụ cột an sinh xã hội. Nếu như diện bao phủ không thay đổi như chúng ta đặt ra trong tương lai thì rõ ràng một gánh nặng của nhà nước hỗ trợ những người cao tuổi khi mà hết độ tuổi lao động để vượt qua nghèo đói có xu hướng tăng lên. Đối với người lao động, nếu họ không cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là những người còn trẻ, nếu vì cái lợi trước mắt mà rút đi họ mất rất nhiều quyền lợi, đó là sự bảo đảm an toàn về mặt thu nhập khi về già và hưởng chế độ bảo hiểm y tế”

Đây là thực tế người lao động nên cân nhắc trước khi quyết định chọn hưởng BHXH một lần để tránh thiệt thòi./.