Đến nay, 24/24 quận, huyện của Hà Nội đã xuất hiện dịch và điều đáng lo lắng là một số phường, xã sau khi đã khống chế thành công thì dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát trở lại. Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên là địa bàn xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại Hà Nội (ngày 24/2), sau đó khống chế thành công, nhưng đến nay, dịch lại tái phát. 

g_mkoa.jpg
Ảnh minh họa.

Đại diện UBND phường Ngọc Thụy cho biết, dù đã rất quyết liệt trong phòng, chống song dịch vẫn xâm nhiễm trở lại tại đàn lợn của hộ gia đình ông Bàn Hữu Dũng (tổ dân phố 34).

Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên chỉ là một trong rất nhiều xã, phường trên địa bàn Hà Nội sau khi công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, nhưng nay bùng phát trở lại. Thống kê cho thấy, sau 3 tháng xuất hiện, dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan ra 24 quận, huyện, thị xã có hộ chăn nuôi, buộc phải tiêu hủy gần 148.000 con lợn, (chiếm khoảng 8% tổng đàn lợn của thành phố Hà Nội).

Bất cập trong hoạt động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi hiện nay ở Hà Nội là một số địa phương chưa quản lý được hoạt động của thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm và đặc biệt là các hộ giết mổ nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước, chất thải khí thải ra môi trường.

Theo thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có 259 cơ sở giết mổ lợn, nhưng chỉ có 47/259 cơ sở được cấp chính quyền địa phương cho phép (chiếm 18%).

Số lượng lợn giết mổ bình quân 6.500 - 7.000 con/ngày, nhưng trong đó, chỉ có trên 60% được kiểm soát chất lượng, còn lại thịt lợn từ các lò giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: "Dịch đang diễn biến phức tạp, nếu tiếp tục để lan rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất chăn nuôi của thành phố. Bởi vì sản xuất chăn nuôi chiếm đến 25% trong phát triển nông nghiệp thành phố, nên tôi đề nghị phải tập trung cao độ".

Để bảo vệ đàn lợn gần 1,9 triệu con trước nguy cơ lan rộng, nhanh của dịch tả lợn Châu Phi, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tiếp tục phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn phòng, chống. 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các phương án khoanh vùng, tổ chức ngăn ngừa dịch tả lợn Châu Phi. 

Bà Trần Thị Lan, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên nói: "Thời gian qua tôi cứ rắc vôi bột và bơm thuốc sát trùng. Tôi bơm định kỳ. Trước thì cả tháng, nửa tháng bơm một lần, nhưng từ khi có dịch đến giờ ngày nào cũng bơm. Đây là kinh tế của gia đình, trước đây có 80 con giờ còn gần 50 con là tài sản lớn".

Nhằm giảm thiệt hại tối đa cho người chăn nuôi trước sự “tấn công” của dịch tả lợn Châu Phi, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quy định định mức hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu hủy lợn bị bệnh, lợn chết do dịch. Theo đó, đối với lợn con, lợn thịt các loại hỗ trợ bằng 80% giá thị trường tại thời điểm có dịch bệnh; Lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ bằng 1,8 lần mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại tại thời điểm có dịch bệnh./.