Đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính
Thứ Ba, 20:23, 04/08/2020
VOV.VN - Việt Nam nâng mức đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. NDC cập nhật của Việt Nam xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 và các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu gây ra trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực. Trước đó, NDC của Việt Nam được đệ trình từ tháng 9/2015.
Việt Nam nâng mức đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, NDC của Việt Nam được rà soát và cập nhật, bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH phù hợp hơn với hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm mục tiêu thực hiện NDC phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai.
Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu. Ngoài ra, Chính phủ còn coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của cả nước trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) và có thể tăng đóng góp lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về BĐKH”.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam được phát triển trong thời gian qua.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu khẳng định: “Việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của mọi quốc gia. Các quốc gia có điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội, trình độ khoa học và công nghệ, lịch sử phát thải khí nhà kính khác nhau nên có hành động ứng phó và ưu tiên khác nhau. Để thống nhất nỗ lực chung của toàn thế giới thường mất nhiều năm và có lúc thăng, lúc trầm. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện NDC cập nhật tại Việt Nam, cả trong thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”.
Theo ông Cường, việc thực hiện NDC cập nhật của Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà cần có sự tham gia của cả doanh nghiệp và cộng đồng. Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.
Kế hoạch thích ứng với BĐKH sẽ giúp tăng cường khả năng thích ứng, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.
“Việc triển khai thực hiện NDC cập nhật đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực. Nguồn lực tài chính cho thực hiện NDC cập nhật sẽ được huy động từ nhiều kênh khác nhau như ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), hỗ trợ quốc tế, nguồn lực của các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng”, ông Cường nhấn mạnh./.