Ngày 11/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tiến sỹ Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội nghị. |
Thông tin tại hội nghị cho biết, 10 năm trở lại đây, Tây Nguyên xuất hiện 11 loại hình thiên tai với tần xuất ngày càng dày, chủ yếu là hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất… Cụ thể, năm 2015 lũ quét gây thiệt hại tại khu vực Tây Nguyên khoảng 3.400 tỷ đồng, năm 2016, hạn hán gây thiệt hại khoảng 7.500 tỷ đồng. Riêng năm 2019, lũ tháng 8 đã gây thiệt hại hơn 1000 tỷ đồng, 16 người chết và bị thương, 5300 ngôi nhà bị ngập lụt, 26.700 ha đất sản xuất bị ảnh hưởng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin những nội dung cơ bản về công tác phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung tiêu chí 3.2 "Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ".
Theo tiến sĩ Tăng Minh Lộc, Phó chủ tịch Hội khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, để hạn chế tác động của thiên tai đến xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai bền vững; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, cần rà soát hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để có cơ sở trong thực hiện phòng chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Toàn cảnh hội nghị. |
“Tổng cục nên nghiên cứu và chủ động đề xuất tiêu chí về phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới. Trong đó có các tiểu tiêu chí để bổ sung hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về công tác phòng chống thiên tai, để làm sao thúc đẩy công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn. Và đề nghị Tổng cục tham mưu với chính phủ sớm ban hành quy trình đánh giá và phục hồi tái thiết sau thiên tai. Khung chính sách hỗ trợ khắc phục hậu qủa và tái thiết sau thiên tai để các địa phương biết được chủ trương để hành động thống nhất hơn”, TS Lộc cho biết thêm.
Trong khi đó TS Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng, xã là cấp chính quyền nhỏ nhất trong hệ thống quản lý hành chính tại Việt Nam. Do đó, các vấn đề quản lý, hỗ trợ người dân về phòng, chống thiên tai cấp xã là dễ tiếp cận, triển khai và thực hiện. Để xây dựng nông thôn mới bền vững, đặc biệt ở những vùng, địa phương thường xuyên bị thiên tai, cần giải bài toán ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Tiến sỹ Trần Quang Hoài đề xuất quy định việc “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” là một tiêu chí chính thức trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
"Ngay trong luật phòng chống thiên tai thì các điều khoản đã quy định rất rõ việc phát triển kinh tế xã hội của các bộ ngành, của các địa phương phải gắn với đảm bảo an toàn bền vững trước thiên tai. Và ngay trong nghị quyết 76 của Chính phủ cũng nêu rất rõ đến năm 2020 tất cả các địa phương phải xây dựng được lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở tất cả các làng xã. Với vai trò ý nghĩa như vậy thời gian tới chúng tôi đang đề nghị với chính phủ bổ sung thành tiêu chí chính thức”, ông Hoài cho hay./.