Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, nhiều người mẹ vẫn mong ngóng tin con, dù chỉ là nắm tro hài cốt để có thể nhắm mắt xuôi tay khi tuổi già.
Những người lính năm xưa đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho nhân dân, cho đất nước, nay lại quặn mình với vết thương chiến tranh khi trái gió trở trời...Hậu quả của chiến tranh để lại vô cùng khủng khiếp. Chiến tranh là nỗi ám ảnh của biết bao nhiêu thế hệ người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Con tim đau nhói khi gợi nhớ về chiến tranh ở Việt Nam
Mỗi khi nhắc đến hai từ “chiến tranh”, cựu binh Mỹ - GS Joseph Rohan Lex lại thấy tim mình đau nhói. GS Joseph Rohan Lex, đại diện cho Hội cấp cứu Mỹ - người vừa đến Việt Nam vào dịp cuối tháng 3 vừa qua để tham dự Hội thảo quốc tế về y học cấp cứu tại Hà Nội.
GS Joseph Rohan Lex |
Với vai trò là một bác sĩ quân y, tôi cũng đã chăm sóc cho cả nạn nhân bị thương trong chiến tranh là người Việt Nam. Có những tuần, tôi cùng đồng đội đi xuống các bản làng thăm bà con nơi bản xứ và giúp họ giảm đau vết thương cũng như điều trị các bệnh nhiễm trùng (hay còn tên gọi khác là bệnh cái chết đen ở châu Phi)”.
GS J.Lex nhớ lại thời đó, nhiều bà con dân làng bị bệnh truyền nhiễm nên đoàn bác sĩ của ông đã phải mang vaccine từ Hoa Kỳ sang để tiêm phòng cho họ.
GS Joseph Rohan Lex khẳng định: Là một bác sĩ quân y, ông không bao giờ sử dụng vũ khí, không bao giờ gây sát thương cho những người khác mà chỉ chữa bệnh cứu người. Thời đó, nhiệm vụ chính của ông là chăm sóc cho những người bị thương. Sau khi trở về nước, GS Lex lại tiếp tục công việc của một bác sĩ và làm việc tại khoa cấp cứu ở Hoa Kỳ.
GS Joseph Lex kể: “Tôi làm việc ở phía Bắc của Philadelphia (Mỹ). Hàng năm có đến hàng ngàn ca chấn thương do súng bắn. Các bệnh nhân bị chấn thương ở Việt Nam rất khác những bệnh nhân mà tôi cấp cứu ở Mỹ. Ở Mỹ, bệnh nhân chấn thương là do súng bắn và do tai nạn về công nghiệp. Nói chung hầu hết các ca chấn thương đều là do hỏa khí”.
Ở Việt Nam có rất nhiều kỷ niệm đối với GS Joseph Lex nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất đó là dịch bệnh truyền nhiễm ở một bản làng.
“Một cô gái ở một ngôi làng mà tôi cứu chữa đã khỏi bệnh. Sau đó cả gia đình và dân làng đã mời đoàn y bác sĩ của chúng tôi đến nhà tổ chức một bữa tiệc. Rất tiếc thời gian quá lâu nên tôi không còn nhỡ rõ tên của ngôi làng đó. Đó là năm 1968”, ông nói.
Là người được chứng kiến cảnh chiến tranh, GS Joseph Lex thấy chiến tranh vô cùng tàn khốc. Chiến tranh đã khiến những người dân vô tội bị chết oan, những phụ nữ mất chồng và con mất cha.
Ông nói: “Thật sự, tôi cũng không thể nói gì nhiều hơn vì bản thân nước Mỹ cũng đang là nạn nhân của các cuộc chiến tái đi tái lại, hết cuộc chiến này lại đến cuộc chiến khác. Tôi chỉ biết cầu nguyện sự bình an và mong điều tốt đẹp nhất đến với mọi gia đình”.
GS Joseph Lex cho biết, hình ảnh Việt Nam luôn ở trong trái tim của ông. Mỗi khi đến Việt Nam, những hình ảnh ngày xưa lại hiện về. Ông vô cùng hạnh phúc bởi mỗi khi trở lại mảnh đất này, mọi người vẫn luôn chào đón ông. Và ông không bao giờ che giấu chuyện đã từng là một quân nhân phục vụ trong chiến tranh ở Việt Nam.
Giờ ở tuổi gần đất xa trời, ông hy vọng sẽ làm một việc gì đó để đáp lại tình cảm thân thương đã nhận được khi tới Việt Nam.
Ông nói: “Tôi hy vọng mình có thể tạo ra cảm hứng lôi cuốn được những người khác cùng tham gia làm việc như bản thân đã làm ở Việt Nam. Và dành nhiều cơ hội tốt hơn cho Việt Nam”.
Nhiều duyên nợ với Việt Nam
Chia sẻ lý do tại sao ông quay trở lại Việt Nam nhiều như vậy, trong khi tuổi đã cao, năm nay gần 80 tuổi, GS Lex nói: “Tôi có nhiều duyên nợ với mảnh đất này. Tôi đã từng ở Việt Nam trong suốt thời gian chiến tranh. Trong thời gian đó, tôi cảm thấy yêu đất nước và con người nơi đây. Chính vì lý do đó mà muốn quay trở lại Việt Nam giúp cho Việt Nam”.
GS Joseph Rohan Lex chụp ảnh lưu niệm với 1 bác sĩ ở Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai |
Ở Việt Nam, các bạn đã có trường Đại học Y từ rất lâu, lâu hơn cả lịch sử các trường y ở nước Mỹ. Ông có sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với người phụ nữ đôn hậu, đảm việc nước giỏi việc nhà và nhận ra điều này khi đi tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Năm 2009, GS Joseph Rohan Lex đã đến Việt Nam với tư cách là Chủ tịch của Hội thảo chuyên đề về cấp cứu. Trước đó, năm 2008, ở New York, ông đã gặp một bác sĩ – người có ý tưởng sẽ thực hiện các công việc thiện nguyện cho Việt Nam. Chính vì thế, ông đã bắt đầu công việc này. Ở thời điểm đó, GS đã có chương trình về cấp cứu đã chạy ở rất nhiều nơi: Italia, Tây Ban Nha, Nam Phi và ở các nước khác.
Ông đã trực tiếp tham gia các chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ, điều dưỡng đang công tác trong lĩnh vực cấp cứu của nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Trong 7 năm qua, GS Lex đã thực hiện nhiều chương trình hội thảo khoa học về cấp cứu và đào tạo nhiều bác sĩ tại các bệnh viện: Bạch Mai, Huế và nhiều tỉnh, thành khác.
GS đã có nhiều đóng góp rất hiệu quả cho việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cấp cứu, phát triển hệ thống cấp cứu góp phần quan trọng vào việc triển khai quy chế cấp cứu, hồi sức chống độc và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác trong lĩnh vực cấp cứu giữa VN và Hoa Kỳ.
Đã đào tạo nhiều bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực cấp cứu hồi sức
Để ghi nhận công lao đóng góp của GS Lex cho hệ thống cấp cấp cứu VN, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định tặng thưởng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho ông.
GS Joseph Rohan Lex (giữa) đang trao đổi với các đồng nghiệp |
Ở Mỹ, GS cũng có rất nhiều sinh viên là con thế hệ thứ 2 của những người Việt đã định cư sang Mỹ sau năm 1975. Hàng ngày được tiếp xúc với họ khiến ông gợi nhớ về Việt Nam. Không chỉ GS Lex muốn quay trở lại Việt Nam và có rất nhiều đồng nghiệp khác của ông cũng muốn quay trở lại đất nước này.
Ông nói: “Lần đầu tiên đoàn cấp cứu do tôi dẫn đầu gồm 40 chuyên gia đến từ Mỹ và các nước khác nhau đến Việt Nam để bắt công việc thiện nguyện trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu cho Việt Nam. Tất cả đều muốn quay trở lại Việt Nam và người ta nhận ra rằng có rất nhiều công việc mà họ có thể giúp để phát triển y học cấp cứu của Việt Nam”.
Sau nhiều năm làm việc và đào tạo các bác sĩ Việt Nam, ông nhận thấy trình độ của bác sĩ ở đây không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, khả năng thực hành của họ tại hệ thống vẫn chưa được thành lập. Cho nên ông không đánh giá mạnh về mức độ hay trình độ mà đánh giá về khả năng thực hành.
Các bác sĩ Việt Nam phải làm gì? Theo ông Joseph Rohan Lex là phải đào tạo thường xuyên, người đi trước đào tạo người đi sau. Điều quan trọng là chúng ta phải đào tạo những người ra được quyết định trong tình huống cấp cứu./.
Ngoại trưởng Mỹ rơi nước mắt khi nói về chiến tranh Việt Nam
Ảnh hiếm về chiến tranh Việt Nam của một nghệ sĩ Australia gốc Việt
Hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam
Khoảnh khắc Chiến tranh Việt Nam và nỗi ám ảnh đối với cựu binh Mỹ
Bộ trưởng Carter: Người Mỹ phải nhớ 2 bài học từ Chiến tranh Việt Nam