Đại úy Bùi Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Điện Biên Phủ cho biết, ngay sau khi Nghị định số 100 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, từ ngày 1/1/2020, cùng với việc thực hiện tháng cao điểm về phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, đơn vị đã triển khai lực lượng thành lập nhiều chốt kiểm tra xử lý vi phạm, kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về tác hại của sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng như các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông khác.
Ngay sau khi Nghị định số 100 chính thức có hiệu lực, lực lượng CSGT tỉnh Điện Biên đã lập nhiều chốt kiểm tra xử lý vi phạm, kết hợp tuyên truyền cho người dân về tác hại của sử dụng rượu, bia. |
Qua kiểm tra từ ngày 1/1 đến nay, phát hiện 21 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, trong đó có 10 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đã bị lập biên bản. Do Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có mức xử phạt rất nghiêm khắc nên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành khi tham gia giao thông của đại bộ phận nhân dân.
"Đa phần ý thức của người dân đã được nâng cao và chấp hành các quy định của pháp luật. Trong thời gian sắp tới, Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố sẽ tiếp tục triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát ở các giờ cao điểm, ở các khu vực nhà hàng, quán ăn, khu vực thường xuyên có tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông", Đại úy Bùi Tuấn Anh cho biết.
Sau gần 1 tuần triển khai Nghị định 100 đã phát hiện 17 trường hợp người điều khiển mô tô vi phạm lỗi tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn. |
Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn là từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất là từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 - 24 tháng. Đáng chú ý, người đi xe đạp, xe đạp điện cũng bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng khi lái xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở, mức xử phạt cao nhất cho các phương tiện này lên tới 600.000 đồng.
Do mức xử phạt nghiêm, có tính răn đe nên mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nhưng đa số người dân tại Điện Biên đã chủ động tìm hiểu, biết và thực hiện khá nghiêm túc. Ngoài ra cũng bày tỏ ý kiến đồng thuận về việc xử phạt nghiêm đối với các hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Anh Phan Gia Chiến, người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nói: "Qua các phương tiện truyền thông biết được Nghị định 100 có hiệu lực từ 1/1/2020, tôi tuyệt đối tuân thủ theo Nghị định, đã uống rượu, bia thì không lái xe. Và đối với mọi người tham gia giao thông thì cũng nên tuân thủ theo Nghị định 100 để đảm bảo hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo cho chính mình cũng như những người tham gia giao thông xung quanh".
Cùng chung quan điểm, anh Hoàng Đình Duân (38 tuổi) một lái xe taxi trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ cho biết: "Bản thân tôi là người lái xe thì luôn luôn chấp hành, không bao giờ sử dụng đến rượu bia. Vì khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện sẽ không làm chủ được và khách hàng người ta cũng sẽ điện về công ty. Về phía công ty tôi cũng sẽ bị khiển trách".
Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: sau gần 1 tuần triển khai thực hiện Nghị định 100, toàn tỉnh đã kiểm tra, nhắc nhở 675 trường hợp xe mô tô và ô tô. Phát hiện 17 trường hợp người điều khiển mô tô vi phạm lỗi tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn, tước 5 giấy phép lái xe, xử lý nộp hơn 12 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước.
Riêng đối với người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm, đặc biệt là các vụ tai nạn mà nguyên nhân từ bia, rượu, đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền bằng với nhiều hình thức đa dạng, dễ hiểu.
Do Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có mức xử phạt rất nghiêm khắc nên đã góp phần nâng cao nhận thức của đại bộ phận nhân dân. |
"Các bản vùng sâu, vùng xa nằm trên địa bàn, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Điện Biên dùng công tác tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, in các băng đĩa giao cho công an đến trực tiếp phát cho bà con nhân dân. Tổ chức họp bản, ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật giao thông trong sử dụng rượu, bia và chấp hành nghiêm pháp luật giao thông trên địa bàn tỉnh", Thượng tá Trần Văn Vang cho hay.
Có thể thấy, việc điều chỉnh mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã nhanh chóng tác động đến đông đảo người dân Điện Biên. Từ đó nâng cao nhận thức của đại bộ phận người dân về việc đã uống rượu, bia thì không lái xe, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu là từ bia, rượu gây ra./.