Không khí ở Hà Nội cực kỳ không tốt

Sáng 12/11, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại quận Long Biên đã đưa ra cảnh báo “màu nâu,” ngưỡng ô nhiễm không khí cao nhất, và khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà.

1_namc.jpg
Diễn biến giá trị trung bình 24h của thông số PM2.5 trong các ngày từ 5-11/11/2019.

Các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí như Airvisual, PAM Air cũng cảnh báo nhiều khu vực ở nội thành Hà Nội có chất lượng không khí ở mức cực kỳ không tốt cho sức khỏe. Điều đáng nói là, ô nhiễm không khí ở mức nguy hại không chỉ xảy ra ở mỗi Hà Nội mà còn xuất hiện ở hầu hết các tỉnh khu vực miền Bắc. Điển hình như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình,…

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khoảng thời gian từ 5-12/11, chất lượng không khí tại Hà Nội lại diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, trong ngày 12/11 đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại).

Nồng độ trung bình 24h của thông số PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường đã vượt quy chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT và có xu hướng tăng theo thời gian. Trong các ngày từ 5-12/11, có trạm quan trắc môi trường đo được nồng độ trung bình 24h của PM2.5 vượt hơn 2 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT. Tương đương với nồng độ PM2.5, có trạm quan trắc môi trường đo được giá trị AQI những ngày này ở mức cao (trên 200 - mức xấu).

Nồng độ PM2.5 tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm. Đặc biệt, sáng ngày 12/11, từ 1-7h sáng, chỉ số AQI giờ tại các trạm quan trắc đặt tại phố Phạm Văn Đồng, số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, phố Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và trạm quan trắc đặt tại Chi cục BVMT Hà Nội đã vượt ngưỡng giá trị 300 (mức nguy hại). Giá trị AQI giờ cao nhất ghi nhận được là 364 (mức nguy hại) tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ vào lúc 5h. Sau 7h, chỉ số AQI giờ ở tất cả các trạm đã xuống dưới ngưỡng nguy hại.

Diễn biến giá trị AQI giờ các ngày từ 8-12/11/2019

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cho biết: “Trong nhiều năm nghiên cứu về chất lượng không khí, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến chỉ số ô nhiễm cao như vậy. Thực trạng ô nhiễm không khí thực sự rất gay go”.

Vì sao chất lượng không khí ở Thủ đô xuống thấp?

Theo Bộ TN&MT, nhận định sơ bộ nguyên nhân của hiện tượng này là do trong khoảng thời gian từ 4-12/11, thời tiết tại khu vực miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao.

Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội xuống thấp rất đáng lo ngại.

Khoảng thời gian ghi nhận nồng độ PM2.5 tăng cao là vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 tích tụ trong không khí, không thể phát tán lên cao và đi xa.

Theo dự báo thời tiết, ngày 13/11, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.

Những ngày qua không khí ở Hà Nội mịt mù.

Để tiện theo dõi thông tin về chất lượng không khí, người dân nên thường xuyên cập nhật qua website của Tổng cục Môi trường như: cem.gov.vn; aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ; PAMAir, Air visual,…./.