Là tỉnh nằm ở thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai (Lâm Đồng) có quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trên địa bàn diễn ra tràn lan, buông lỏng quản lý khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ môi trường trong khu vực và làm mất nhiều đất sản xuất hai bên bờ sông. Sự việc còn gây bức xúc, bởi người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết, nhưng những hậu quả của thác cát bừa bãi đối với đời sống, kinh tế và môi trường vẫn tiếp diễn.

khai_thac_cat_glbp.jpg
Khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai (Ảnh: Bizlive)

Cầm tờ giấy đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất trên tay, ông Nguyễn Khắc Mạnh, ở thôn 5, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng lắc đầu ngao ngán. Mảnh đất mà gia đình ông đã gắn bó gần 40 năm qua – một nửa diện tích đã bị dòng sông Đồng Nai nuốt chửng. Ông Mạnh khẳng định, chính hoạt động khai thác cát vô tội vạ trên đoạn sông này trong suốt 7 năm qua là thủ phạm. Mặc dù gia đình đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp và chấn chỉnh nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Ông Nguyễn Khắc Mạnh, bức xúc nói:  “Càng ngày nạn hút cát càng coi như lộng hành. Hiện nay đã làm sạt khoảng hơn 2 cây số sông Đồng Nai, sạt lở đất của nhân dân đã được nhà nước cấp quyền sử dụng cho nên chúng tôi rất bức xúc. Chúng tôi rất mong các cơ quan nhà nước thực sự là phải vào cuộc để giúp đỡ nhân dân, để khỏi phải mất đất đai, hoa màu và cây công nghiệp. Hiện nay tài sản đất đai bị mất thì người dân sẽ rất khổ, không còn công cụ để sản xuất nữa”.

Theo ông Nguyễn Khắc Đồng, Thôn Trưởng thôn 8, xã Đạ Kho, công tác quản lý hoạt động khai thác cát của chính quyền địa phương xem ra bất lực. Lúc đoàn cán bộ của huyện đi kiểm tra thì trên sông chỉ có băm, bảy cá nhân, doanh nghiệp có phép là hoạt động, trong khi ngày thường số lượng người tham gia hút cát tăng hơn gấp đôi, tất nhiên trong đó có nhiều thành phần khai thác cát không phép.

Cũng theo Đồng, hiện ước tính đã có hơn chục ha đất của người dân trên địa bàn thôn 8 bị mất do sạt lở bờ sông Đồng Nai, riêng gia đình ông cũng bị mất hơn 3 sào : “Đất của tôi nếu mà tính từ mép bờ sông cũ sạt lở vào đã là 30 m. Nhưng khi chúng tôi ý kiến lên cấp huyện, chủ tịch huyện trả lời thẳng 1 câu là nếu bây giờ mà cấm khai thác cát thì không có cát để xây dựng. Khai thác lấy cát xây dựng thì người dân chúng tôi không có ý kiến, nhưng mà các doanh nghiệp khai thác như thế nào để không làm ảnh hưởng người dân. Chứ bao giờ làm ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi như thế là không được. Họ hút cát ở sông, người dân chúng tôi ra đuổi thì họ thuê toàn là đầu gấu lao lên cầm dao đuổi chém. Cho nên người dân chúng tôi rất bức xúc”.

Theo UBND huyện Đạ Tẻh, chỉ tính riêng trên đoạn sông Đồng Nai đi qua xã Đạ Kho, hiện có đến gần chục doanh nghiệp và cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác cát xây dựng, với thời hạn trên dưới 10 năm. Các lần kiểm tra cho thấy, các đơn vị này đều khai thác đúng trong phạm vi được cấp phép, mặt khác không thể xác định cụ thể đơn vị nào trực tiếp gây ra tình trạng sạt lở đất nên rất khó xử lý.

Trong đợt tiếp xúc cửa tri mới đây tại địa phương, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường và ghi nhận tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn qua xã Đạ Kho đang bị thả nổi, cơ quan chức năng buông lỏng trong khâu quản lý. Ông Vũ Công Tiến, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, lo lắng và bức xúc của nhân dân là hoàn toàn chính đáng, đơn vị sẽ đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh sớm có biện pháp mạnh để chấn chỉnh.

Ông Vũ Công Tiến, nói: “Vấn đề khai thác cát sông Đồng Nai, một là xem lại quy hoạch có cho khai thác hay không; thứ hai là chú trọng quy mô khai thác như thế nào độ sâu bao nhiêu, khối lượng bao nhiêu; thứ ba là về vấn đề cấp phép cho các công ty này, chứ để thả nổi như thế này là rất khó. Vai trò của nhà nước cần hết sức quan tâm, chứ không để kéo dài như thế thì tôi cho rằng sông Đồng Nai sẽ phá vỡ dòng chảy, ảnh hưởng môi trường, nó sẽ gây ra tác hại hết sức ghê gớm".

Người dân có đất sản xuất dọc 2 bên bờ sông Đồng Nai, đoạn qua xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh như ngồi trên đống lửa, luôn sống trong tâm trạng lo lắng mất ruộng, mất vườn. Nếu tình trạng khai thác cát trên địa bàn không được chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ, tình trạng sạt lở đất trên sông Đồng Nai sẽ tiếp diễn với hậu quả ngày càng lớn hơn, các đối tượng cát tặc sẽ còn lộng hành nhiều hơn./.