Sáng nay 8/11, hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Ngãi đã trở về đất liền, vào nơi neo đậu an toàn. Tại huyện Bình Sơn, 500 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ cũng đang trên đường vào đất liền tránh trú.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Số tàu thuyền ở ven bờ đã được sắp xếp về nơi neo đậu an toàn. Số tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì chúng tôi nêu ra 2 phương án: Một là thông báo đường đi của bão số 6 để tàu thuyền thoát đi khỏi vùng nguy hiểm mà bão có khả năng đổ vào. Thứ 2 là nếu không tránh được thì phải khân trương tìm nơi tránh trú an toàn".
Tàu thuyền được kêu gọi vào bờ tránh trú an toàn. |
Tỉnh Quảng Ngãi hiện còn 97 tàu thuyền trong khu vực ảnh hưởng của bão và đã vào tránh trú bão tại Quần đảo Trường Sa. Đối với 2 tàu cá của Quảng Ngãi mất liên lạc từ ngày 6/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liên lạc được với 2 phương tiện này và hướng dẫn vào nơi tránh trú bão an toàn. Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Công điện gửi các địa phương khẩn trương khắc phục bão số 5 và ứng phó bão số 6, chuẩn bị các phương án sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm, lên phương án cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết: "Sáng nay 8/11 UBND tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ Hai 11/11. Chúng tôi đang theo dõi chặt cơ bão số 6, nếu bão diễn biến phức tạp thì tỉnh Quảng Ngãi sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ở các huyện phía Nam, đó là Đức Phổ và Mộ Đức".
Sáng nay, UBND tỉnh Bình Định đã họp triển khai công tác ứng phó với bão số 6. Lãnh đạo tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác đối phó với bão. Tỉnh Bình Định yêu cầu thành phố Quy Nhơn có biện pháp di dời các nhà dân nằm sát bờ kè Nhơn Hải vừa bị sập do bão số 5.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt. Thứ nhất đối với kè Nhơn Hải đã gia cố xử lý tạm thời bằng các rọ đá ở vùng bị sạt lở. Thứ 2 là di dời dân khẩn cấp ở những vùng này, tức 93 hộ dân ở vùng này phải di dời trước khi bão vào, tức là trước ngày 10/11 là phải di dời khẩn cấp.
Tại tỉnh Phú Yên, sáng nay lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các chủ hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn có kế hoạch điều tiết lũ hợp lý, xả lũ đúng lưu lượng, đúng thời điểm. Tỉnh Phú Yên hiện có 50 hồ chứa nước, trong đó có 3 hồ thủy lợi lớn chứa hơn 10 triệu mét khối nước là hồ Phú Xuân, hồ Suối vực và hồ Đồng Tròn.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các chủ hồ cần tránh hiện tượng tích nước dễ gây lũ lớn cho vùng hạ du: "Yêu cầu các hồ thủy điện, thủy lợi phải xả theo lộ trình bắt đầu khi có bão và khi mưa để đảm bảo quy trình xả lũ theo thực tế. Chứ đợi đến khi bão mà hứng nước thì sẽ không có khả năng chứa được, sẽ làm cho lũ gia tăng đối với vùng hạ du. Việc này chúng tôi đang có chỉ đạo cụ thể.
Sáng nay, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa yêu cầu sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong 2 ngày 10 và 11/11 để tránh bão. Các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát kỹ các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết đã thông báo cho Sở giáo dục và đào tạo trên phương tiện thông tin đại chúng để chủ động việc điều chỉnh việc dạy và học của các trường khi có bão./.
Bão số 6 hoạt động khá dị thường, diễn biến rất phức tạp
Bão số 6 giật cấp 14 có khả năng mạnh thêm trong 24h tới