Tỉnh Quảng Nam có 9 khu công nghiệp, với hơn 40 nghìn lao động. Nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay của công nhân rất cao nhưng năng lực chủ đầu tư hạn chế nên các dự án xây nhà ở xã hội chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện.

Tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc có hơn 25.000 công nhân làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, riêng Công ty Giày Rieker Việt Nam chiếm gần một nửa. Bà Cao Thị Thắm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, số công nhân từ các vùng quê làm việc tại đây ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở cũng tăng theo.

nha_tro_ypze.jpg
Người lao động thường phải sống trong những khu nhà trọ chất lượng kém. (Ảnh minh họa).

Do Khu công nghiệp này chưa xây dựng xong khu nhà ở xã hội nên hầu hết công nhân phải thuê nhà dân để ở. Những căn nhà xây cho thuê chất lượng thấp, không đảm bảo an ninh trật tự.

Hàng ngàn cặp vợ chồng phải tá túc tại các phòng trọ chật hẹp cùng gia đình, con cái. Hiện, các nhà trẻ công lập tại các phường xung quanh khu công nghiệp chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Trong khi các nhà trẻ tư nhân nhận trẻ từ 6 tháng tuổi nhưng không an toàn cho trẻ.

Bà Cao Thị Thắm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Giày Rieker Việt Nam, Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cho biết doanh nghiệp này có hơn 90% công nhân lao động là nữ, đang tuổi sinh đẻ. Nhưng nhiều người không có chỗ gửi con. Nhà trẻ công lập không chấp nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng, do đó họ phải nghỉ làm trông con. 

Qua khảo sát, số công nhân lao động có nhà ở ổn định tại Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam chiếm khoảng 35% tổng số công nhân tại khu công nghiệp.

Hơn 15.000 lao động phải thuê nhà dân hoặc các phòng trọ nhếch nhác, ẩm thấp. Hiện, Công ty Phú Gia Thịnh và Công ty STO được giao triển khai Dự án xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu công nghiệp này. Đây là Dự án nhà ở xã hội đầu tiên được triển khai xây dựng tại khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc, cũng là dự án nhà ở xã hội cho công nhân đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, nhưng sau nhiều năm triển khai, Dự án vẫn chưa hoàn thành.

Ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho biết hiện tại không thể đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà mẫu giáo, nhà thu nhập thấp cho công nhân thuê, hoặc mua nhà. Ngoài khu công nghiệp thì quỹ đất chưa được chuẩn bị. Do đó việc mua nhà giá thấp của người dân vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc với 500 công nhân tại khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc, ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh cũng đã tính toán, cân nhắc để có thể cung cấp những căn hộ giá rẻ cho công nhân.

Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ trước cũng đã thông qua đề án về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị. Ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng xây dựng 8 nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đến nay các dự án này vẫn chưa hoàn thành.

Ông Phan Việt Cường cho biết tỉnh đã làm việc với xã Điện Bàn, tạo cơ chế thuận lợi cho việc xây thêm trường học, nhà trẻ phục vụ người lao động. Ngoài ra tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em người lao động tại địa phương có điều kiện học tập đầy đủ, không để bất cứ trẻ nào không được đến trường. Tỉnh phấn đấu để mỗi hộ có nhà từ 35-40 m2./.