Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, hôm nay (19/5), Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra thực tế tình hình hạn hán và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tình hình nắng nóng, khô hạn, vẫn đang tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại tỉnh Kon Tum và dự báo còn có thể kéo dài đến tháng 6. Thống kê của chính quyền địa phương, đến nay đã có trên 3.800 ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước trong đó có hơn 2.000 ha cây công nghiệp còn lại là lúa nước và rau màu.

vov_ong_pht_tgko.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum 
Cùng với thiệt hại 157 tỷ đồng trong sản xuất nông nghiệp, khô hạn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân Kon Tum, khi có  41 công trình nước sinh hoạt, gần 7.700 giếng đào bị cạn kiệt. Ngoài ra, từ cuối tháng 4 đến nay, mưa đá, gió lốc, dông sét xảy ra khá thường xuyên khiến 2 người bị thương, nhiều trường học, trạm y tế, nhà rông và hàng trăm nhà dân tốc mái, hư hỏng.

Qua kiểm tra thực tế tại thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy và báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong ứng phó với thiên tai hạn hán, chuyển đổi kịp thời mùa vụ, thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào vì hạn phải chịu cảnh thiếu đói và không để dịch bệnh bùng phát.

Ông Cao Đức Phát ghi nhận đề xuất của địa phương hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán; sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi; cam kết ưu tiên xem xét đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum.

Về những giải pháp trước mắt để ổn định sản xuất, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Mùa mưa sắp đến, chúng ta phải hướng dẫn và hỗ trợ bà con khôi phục lại sản xuất đặc biệt là đối với các vườn cây công nghiệp.

Ngay trong tuần tới, Bộ Nông nghiệp phối hợp với tỉnh tổ chức những cuộc họp, diễn đàn để phổ biến cho nhân dân các giải pháp kỹ thuật phù hợp để khôi phục lại những vườn cà phê, hồ tiêu đã bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau bởi hạn hán để duy trì sản xuất.

Chúng ta phải rà soát lại cơ cấu sản xuất ở từng vùng cụ thể để có được những cây trồng phù hợp, ổn định và hiệu quả. Tiếp tục rà soát quy hoạch và huy động các nguồn lực xây dựng công trình thủy lợi để sản xuất với năng suất hiệu quả cao hơn và bền vững hơn”./.