Trước tình hình hạn mặn khốc liệt đang diễn ra, tỉnh Bến Tre đã cho triển khai hàng chục đập tạm lớn, nhỏ để ngăn mặn; hạn chế thiệt hại cho vườn cây ăn trái và giảm bớt khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
Nếu như nửa tháng trước, hàng trăm hộ dân ở huyện Châu Thành – vùng trọng điểm cây ăn trái của tỉnh Bến Tre không dám lấy nước trên sông Cái Cỏ và Tre Bông để tưới cho vườn cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng và chôm chôm hiện nay bà con rất yên tâm dùng nguồn nước này cho sản xuất.
Nhiều hộ còn quyết định trồng cây mới như sầu riêng và bưởi da xanh vì độ mặn phía trong đập luôn duy trì dưới mức 1%o, trong khi bên ngoài lên đến 3-4%o.
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nói: “Hiện nay tình hình cấp nước ngọt cho dân tương đối ổn, mặc dù cũng còn ảnh hưởng mặn, không phải khắc phục được tuyệt đối. Tuy nhiên so với độ mặn mà không xây dựng các con đập này ở huyện cũng như thành phố Bến Tre rất cao”.
Hiện 2 đập tạm ngăn mặn này đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, về lâu dài, khi hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre hoàn toàn khép kín hàng chục ngàn ha vườn cây ăn trái cũng như đời sống của người dân tỉnh này mới an toàn trước hạn mặn.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre vẫn còn 5 cống lớn chưa được đầu tư với kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.
Ông Trọng nói: “Chúng tôi được Bộ NN&PTNN đầu tư hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre. Đến bây giờ vẫn còn 5 cống chưa được thực hiện, với vốn đầu từ trên 200 trệu USD, trong khi nguồn ngân sách đang khó khăn nên Chính phủ đã bàn và được Chính phủ Nhật Bản đưa vào xem xét tài trợ. Đến hết tháng 6/2016 sẽ có báo cáo về tác động môi trường nếu thực hiện dự án khép kín. Nếu không có gì thay đổi đến năm 2018 dự án sẽ được khởi công”.
Người dân Bến Tre đang mong chờ việc triển khai các giải pháp công trình để giúp cho sinh hoạt và sản xuất của bà con chóng vượt qua các khó khăn do hạn mặn gây ra./.