Với mong muốn sớm đưa diện tích rừng ở địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào mạng lưới quy hoạch bảo tồn thiên nhiên đa dạng quốc gia, hôm nay (24/7), tại thành phố Kon Tum, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum phối hợp với tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (FFI), Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển sinh kế bền vững” nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tại rừng Kon Plông một cách hiệu quả, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển sinh kế ở địa phương.
Tham dự Hội thảo có 90 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân huyện Kon Plông.
Là một huyện ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, Kon Plông hiện có hơn 84.000ha rừng với độ che phủ đạt trên 82%. Các nghiên cứu nhiều năm qua của tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế và các đối tác khẳng định sự phong phú, đa dạng, độc đáo của rừng Kon Plông.
Đặc biệt là việc phát hiện các loài cực kỳ nguy cấp đang được ưu tiên bảo vệ ở mức cao nhất tại Việt Nam và trên thế giới, như: quần thể Chà vá chân xám với khoảng 500 cá thể; Vượn đen má vàng Trung Bộ với khoảng 100 cá thể cùng nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp khác, như: Cầy vằn, Cu li nhỏ, Gấu ngựa, Rái cá; các loài chim đặc hữu của Việt Nam và khu vực, như Khướu Kon Ka Kinh, Khướu Ngọc Linh.
Ông Josh Kempinski, Trưởng đại diện tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế, khẳng định sự cần thiết đưa rừng Kon Plông vào mạng lưới quy hoạch bảo tồn thiên nhiên đa dạng quốc gia.
“Rừng Kon Plông là một trong những khu rừng có thể nói là quan trọng vào hàng bậc nhất nhưng lại nằm ngoài hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Rừng ở Kon Plông có một vai trò đặc biệt quan trọng và tầm quan trọng của nó không chỉ đối với khu vực mà có thể mang tầm quan trọng quốc tế. Khu rừng Kon Plông có thể nói là đặc biệt quan trọng đối với di sản thiên nhiên của Việt Nam và nó xứng đáng là một vùng di sản. Rừng Kon Plông nó cũng rất là đặc biệt bởi vì nó đóng vai trò kết nối cả một dải Trường Sơn từ phía Nam cho tới phía Bắc của dãy Trường Sơn”, ông Josh Kempinski chia sẻ.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm hướng đến việc sớm đưa diện tích rừng ở địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào mạng lưới quy hoạch bảo tồn thiên nhiên đa dạng quốc gia, như: xác lập ranh giới khu bảo tồn với khoảng 42.000ha; các bước chuyển đổi và nguồn lực để thực hiện khu bảo tồn; những khó khăn vướng mắc gặp phải khi thành lập khu bảo tồn và các giải pháp thực hiện; phương hướng quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học trước và sau khi thành lập gắn liền với phát triển sinh kế bền vững trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Lâm, quản lý Chương trình của tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới 3 mục tiêu để cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Phải đảm bảo gìn giữ được giá trị đa dạng sinh học, những nơi tập trung cao nhất. Đồng thời làm thế nào mà để hài hòa câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển kinh tế của địa phương. Làm thế nào mà vẫn phải đảm bảo việc duy trì kết nối hành lang sinh cảnh với nhau xuống phía Nam, lên phía Bắc”, ông Lâm cho hay.
Cùng với việc tìm kiếm các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học rừng Kon Plông, hướng tới mục tiêu thành lập khu bảo tồn, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều nguy cơ đối với sự đa dạng, độc đáo của rừng Kon Plông hiện nay, đó là: sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã ngày càng bị phân mảnh; suy giảm chất lượng do tình trạng khai thác gỗ trái phép; phá rừng làm nương rẫy và các hoạt động xây dựng khác vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh đó là tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.
Tại Hội thảo, tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế cam kết trước mắt sẽ hỗ trợ chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum trong việc tăng cường tuần tra giám sát, tháo gỡ bẫy thú rừng; hỗ trợ các nghiên cứu, khảo sát, xác định ranh giới để hoàn thiện dự án khu bảo tồn; tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn cho cộng đồng; tìm kiếm kêu gọi các nhà tài trợ cho bảo tồn rừng Kon Plông nói riêng và rừng ở tỉnh Kon Tum nói chung./.