Chiều 26/7, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 7/2017, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng thực tế hiện nay đang có hiện tượng doanh nghiệp sa thải người lao động trên 35 tuổi.
Toàn cảnh hội nghị.
Ông Quảng thông tin, kết quả khảo sát tại 64 doanh nghiệp cho thấy, có nhiều lao động chỉ làm việc tại doanh nghiệp từ 6-7 năm rồi nghỉ. Độ tuổi của các lao động tại thời điểm nghỉ việc thường từ 31-32 tuổi và rất ít người làm đến năm 35 tuổi.
"Qua giải quyết tình trạng thất nghiệp của BHXH Hà Nội vừa qua cho thấy, tình trạng cho lao động quá 35 tuổi nghỉ việc là có thật. Họ chủ yếu là những người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, gia công chế biến, không yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật, có thể nhanh chóng đào tạo", ông Quảng cho biết thêm.
Lý giải nguyên nhân của vấn đề, ông Lê Đình Quảng cho rằng, ở độ tuổi này, sức khỏe người lao động bắt đầu kém đi, khả năng tiếp thu công nghệ mới để nâng cao năng suất cũng không còn nhanh nhạy. Trong khi đó chi phí cho tiền lương, BHXH lại cao hơn. Từ đó nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đẩy người lao động ra ngoài. Trong đó một số doanh nghiệp thực hiện "kế" mềm dẻo là chi cho người lao động một khoản tiền lớn để tự động nghỉ việc.
Ông Quảng cho rằng: "Tình trạng này rất đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội hiện nay. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Những đối tượng này sau khi mất việc, thường rất khó tìm việc làm mới tại các khu vực có quan hệ lao động mà phải ra các khu vực không có quan hệ lao động, do đó cuối cùng sẽ chấp nhận việc hưởng trợ cấp BHXH 1 lần".
Ngoài ra, hiện nay theo luật, độ tuổi lao động của nước ta là 60 tuổi với nam giới và 55 tuổi với nữ giới. Do vậy việc sa thải người lao động ở tuổi trên 35 là rất lãng phí nguồn nhân lực.
Thanh Hóa chấm dứt 3.015 hợp đồng lao động không đúng quy định
Ông Quảng chỉ ra rằng để giải quyết vấn đề là một bài toán khó trong bối cảnh cơ chế thị trường như hiện nay. Bởi vậy cần đưa ra những giải pháp nhằm tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần xem xét tạo ra các ràng buộc pháp lý đối với doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau độ tuổi 35; kết hợp với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn hệ thống an sinh xã hội, làm gia bảo hiểm thất nghiệp, nhận BHXH 1 lần.
Do đó, Ban thực hiện chính sách BHXH cần có báo cáo phân tích tình trạng người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc qua hệ thống thống kê của ngành BHXH, để từ đó có tham vấn chính sách, cũng như định hướng tuyên truyền cụ thể hơn./.