Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai diễn ra vào chiều 9/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Nguyễn Xuân Cường cho biết: Mới nửa đầu 2018, đã có rất nhiều biểu hiện vô cùng cực đoan khác hẳn thông thường. Chưa khi nào tháng 6 đã mưa diện rộng ở miền núi phía Bắc như năm nay, trong 2 ngày tại Lai Châu mưa tới 600mm, trong khi trung bình mọi năm nhanh nhất phải là tháng 8, năm 2017 là tháng 10.

vov_nguyen_xuan_cuong_hyfz.jpeg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị sơ kết BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Mưa lớn tại các tỉnh vùng núi từ Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn vòng sang Quảng Ninh đã gây sạt trượt diện rộng, cả sườn núi đổ ập xuống, khiến 33 người chết và mất tích là những bất thường về quy luật và thời gian.
Ngoài ra, chưa năm nào nắng nóng 40-41 độ kéo dài 8 ngày như vừa qua, bao trùm toàn bộ Bắc Bộ, Trung Bộ.
Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh: “3 năm vừa qua, toàn bộ đất đá ở những vùng xung yếu đã nẫu hết, giờ có tổn thương tác động vào sẽ gây thảm họa rất kinh khủng. Việt Nam có hơn 3.000 hồ, nếu có vấn đề xảy ra sẽ thành thảm họa. Không phải ngẫu nhiên năm ngoái có tới 4 lần cảnh báo mức độ thiên tai cấp 4”.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 14 loại hình thiên tai bao gồm 2 cơn bão, 2 ATNĐ, 88 trận giông, lốc sét, 7 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại…
Thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; gần 14.000 ngôi nhà bị sập đổ và hư hại... Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng.
Những tháng còn lại năm 2018, Bộ trưởng cho rằng tình hình còn rất nhiều quan ngại trong bối cảnh rất nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt với những thiệt hại lớn về người và của do thiên tai.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động trong tổ chức chỉ đạo ứng phó, phòng ngừa.
Trong lĩnh vực dự báo, ông Cường đề nghị cần tăng cường thêm năng lực, nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dự báo nước ngoài.
Ông cũng yêu cầu BCH phòng chống thiên tai các tỉnh lập văn phòng thường trực tập trung, chuyên nghiệp, không viện lý do tỉnh nghèo để rà soát lại kế hoạch, đặc biệt phương châm 4 tại chỗ.
Về vận hành liên hồ chứa, ông Cường đề nghị phải lập danh sách phân loại theo từng cấp quản lý. Riêng 81 hồ xung yếu phải có kế hoạch duy tu, sửa chữa ngay./.