PV: Theo ông, BHL ĐT Futsal Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào trước trận tứ kết gặp ĐKVĐ Nhật Bản?
Trọng tài FIFA Futsal Hoàng Đức Hiếu: Theo tôi được biết, bước vào trận đấu này tuyển Futsal Việt Nam có nhiều cầu thủ chấn thương. HLV Formoso có 10 cầu thủ có thể ra sân, nhưng không phải tất cả đều sung sức để đá hết trận vì lý do sức khỏe. Vì vậy, chắc chắn BHL đã phải tính toán kỹ càng về đấu pháp cho phù hợp với tình hình nhân sự.
Không có được thể lực tốt nhất vì chấn thương nhưng các cầu thủ ĐT Futsal Việt Nam đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ. (Ảnh: Quang Thắng). |
Ở trận này, tôi cho rằng, các cầu thủ Việt Nam đã thi đấu hết mình, tuân thủ đúng lối đá phòng thủ chặt chẽ. Trong khi đội bạn Nhật Bản có phần chủ quan, khinh địch và bị bất ngờ trước đấu pháp của chúng ta.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những bất ngờ đó ?
Trọng tài FIFA Futsal Hoàng Đức Hiếu: Trận này Việt Nam chủ động không đá "5 cầu" (thủ môn tràn lên phần sân đối phương tham gia tấn công, để trống khung thành đội nhà) ngay cả ở thời điểm bị dẫn sâu về tỷ số. HLV Formoso chỉ linh hoạt áp dụng chiến thuật này ở khoảng hơn 2 phút cuối mỗi hiệp đấu.
Đây là đấu pháp đúng vì với đối thủ quá mạnh và là ĐKVĐ như Nhật Bản, chúng ta đá "5 cầu" không khác việc “cầm dao đằng lưỡi”, tự mình hại mình, bởi đối phương quá “quái” và có những gương mặt xuất sắc có thể dễ dàng phá vỡ thế "5 cầu" đó bằng một tình huống xử lý khéo léo trước khi dứt điểm từ xa.
Đấu pháp đúng đắn giúp Futsal Việt Nam "quật ngã" ĐKVĐ Nhật Bản. (Ảnh: Quang Thắng). |
Nhân sự thua kém, lối chơi của mình không thể đôi công, đó là đội bạn nghĩ vậy. Còn thực tế, chúng ta đã táo bạo tấn công linh hoạt hơn nhiều. Ngay cả thời điểm chúng ta gỡ hòa 4-4, ở những giây cuối cùng, chúng ta vẫn chủ động tràn lên phần sân đối phương và thậm chí suýt chút nữa có thể “kết liễu” đối thủ khi họ cũng buộc phải chơi thế “5 cầu”. Đặc biệt khi bị dẫn phải lên tấn công dồn dập tìm bàn gỡ thì tuyển Việt Nam lại đá phòng ngự chặt và phản công chớp nhoáng, đưa Nhật Bản từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Thêm nữa, trận này các cầu thủ Futsal Việt Nam phòng thủ khu vực rất nhuyễn, tuân thủ đúng chiến thuật của BHL. Chúng ta không để Nhật Bản, đối thủ được đánh giá mạnh hơn rất nhiều, dẫn dắt, áp đặt lối chơi mà chủ động chơi. Các học trò của HLV Formoso nhiều thời điểm còn áp đặt lối chơi nhanh - chậm linh hoạt, buộc đội bạn phải theo và đi vào “bẫy” của Việt Nam.
Loạt penalty cân não đưa Futsal Việt Nam đến đấu trường World Cup
Tôi nghĩ, đến bây giờ Nhật Bản cũng chưa hết bất ngờ khi để thua Việt Nam ở tứ kết. Đây lần đầu tiên kể từ năm 2001, họ không thể tiến vào bán kết ở giải Futsal châu Á, cùng 7 lần giành quyền tham dự World Cup Futsal, những con số cho thấy họ thực sự là cường quốc Futsal của châu lục.
PV: Ông cảm thấy ấn tượng bởi những cầu thủ nào trong trận tứ kết Nhật Bản – Việt Nam tối 17/2?
Trọng tài FIFA Futsal Hoàng Đức Hiếu: Theo tôi, hầu hết các cầu thủ Việt Nam đều chơi xuất sắc, dù nhiều người trong số họ không có được 100% thể lực. Nét mới của tuyển Futsal năm nay là có thêm Thái Huy, cầu thủ mới được cất nhắc đưa lên tuyển từ tháng 12 sau giải Cúp quốc gia.
Cầu thủ có biệt danh “không phổi” này góp công lớn trong các chiến thắng của đội từ đầu giải. Theo tôi, nút thắt của trận đấu là khi Thái Huy ghi bàn gỡ hoà 4-4 ở thời điểm hiệp phụ thứ 2 sắp kết thúc và mở ra cơ hội cho Việt Nam trên chấm luân lưu.
Về phía Nhật Bản, họ có nhiều cá nhân xuất sắc, điển hình là số 9, Kaoru Morioka. Mỗi khi cầu thủ này có mặt trên sân là anh ta ghi bàn, nhưng cũng mỗi khi anh ta thi đấu là Việt Nam lại có bàn gỡ. Kaoru là mẫu “sát thủ” với khả năng dứt điểm trận đấu, nhưng trận này gặp Việt Nam, anh ta lại chơi khá kiêu căng, khinh thường đối phương.
Futsal Việt Nam dự World Cup: Chiến tích của sự quả cảm
Điều này thể hiện qua cách anh ta đi bóng, xử lý và đặc biệt là ý đồ thực hiện cú sút luân lưu tung nóc lưới thủ môn Việt Nam. Hệ quả là Morioka phải trả giá, cú sút căng, tốt nhưng bóng lại đập xà ngang, trước khi ra ngoài, gây bất lợi về cả điểm số lẫn tinh thần cho cầu thủ Nhật Bản ở các loạt sút sau đó.
Tuyển Nhật Bản là đội bóng đẳng cấp, chinh chiến nhiều giải đấu tầm cỡ nhưng họ không ngờ rằng một nền Futsal ở vùng trũng Đông Nam Á, mới tập chơi như Việt Nam lại có thể chơi ngang ngửa và đánh bại họ. Đây là một trận thắng xứng đáng cho tinh thần, nỗ lực, sự khôn ngoan và kỷ luật của tuyển Futsal Việt Nam.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.