Vuốt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm vì nắng, gió và… thời gian, Nguyễn Thị Thủy, tân kỷ lục gia ASEAN Para Games 8, “nhà sưu tập” huy chương Para Games, VĐV điền kinh lớn tuổi nhất Đại hội lần này và đoàn thể thao người khuyết tật (TT NKT) Việt Nam, mẹ của 2 người con và chỉ 2 tháng nữa sẽ lên chức bà nội, nói rất thật: “Tôi chắc cũng chỉ thêm được… một Đại hội nữa rồi nghỉ thôi!”.

Chị Nguyễn Thị Thủy lập kỷ lục ở tuổi 52. (Ảnh: Thành Lương)

Ở cái tuổi 52, câu nói của chị Thủy, nhà vô địch cự ly 200m điền kinh, HCĐ nội dung nhảy xa và là chủ nhân của 17 tấm huy chương giành được từ khi bước vào nghiệp thi đấu năm 2003 đến nay, khiến không ít VĐV lớp đàn em phải giật mình, lao lung trong thâm tâm. Đã đành “trót mang vào thân cái nghiệp… VĐV”, nhưng chị Thủy khẳng định chạy hay nhảy xa hay chơi thể thao nói chung là niềm đam mê cuộc sống, chứ không chỉ là để giữ gìn sức khỏe hay thậm chí là… giành tiền thưởng từ việc thi đấu quốc tế, nhằm hỗ trợ một phần cuộc sống gia đình.

Đối diện với người phụ nữ đáng tuổi cô, người viết có chút giật mình khi nhớ tới câu chuyện về một Nhữ Thị Khoa, lừng danh một thời trong làng thể thao người khuyết tật Việt Nam nay phải bươn chải mưu sinh. Chị Thủy cũng phải làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống. Trong khi HLV khẳng định “chị Thủy ở nhà làm máy may”, người phụ nữ có nụ cười tươi rói, tương phản với khuôn mặt sắc sảo bởi va chạm xã hội trong thường nhật mưu sinh, khẳng định với anh PV hãng Reuters: “Tôi ở nhà làm nghề mát-xa, bấm huyệt để kiếm sống hàng ngày!”. Để chứng minh cho lời nói của mình thêm phần thuyết phục, chị Thủy không ngần ngại thực hành ngay trên cánh tay anh PV cao lớn - miệng nói, tay xoa, tay bấm huyệt - khiến “vị khách bất đắc dĩ” chỉ biết há hốc mồm sửng sốt.

“Nghề nào chả là lao động, miễn là kiếm tiền chân chính để nuôi gia đình”, Nguyễn Thị Thủy tâm sự. “Tôi được cái may mắn là gia đình ủng hộ việc đi tập và thi đấu thể thao. Con trai, con gái tôi nay đã lớn, cũng có gia đình và công việc rồi, nên áp lực tài chính không còn lấn bấn như trước. Nhưng tôi quan niệm đã thi đấu là phải nỗ lực chiến thắng, phải có tiền thưởng, để xứng đáng với công sức, mồ hôi không chỉ của mình, mà còn của HLV và bao người khác. Tôi năm nay cũng cao tuổi rồi, phong độ cũng bắt đầu suy giảm. Thế nên, lần này tôi rất vui vì không những phá kỷ lục Đại hội - kỷ lục của chính tôi – mà còn phá rất sâu (34’’01/200m). Cứ mỗi lần đi thi, tôi lại lập một kỷ lục. Thực sự là tôi cũng không nhớ mình đã lập bao kỷ lục nữa. Nhưng, tuổi mình cũng cao rồi, tôi chắc cũng chỉ thêm được… một Đại hội nữa rồi nghỉ thôi!”.

Hai nhà vô địch trên đường chạy: Nguyễn Thị Thủy (phải) và Lại Thị Ngọc Ánh. (Ảnh: Thành Lương)

Chị Thủy cười thật tươi. Mồ hôi vẫn tong tỏng trên mặt. Bước đi khập khễnh trên chiếc chân giả dành cho thi đấu bằng sợi các-bon, chị cất cái giọng khàn khàn, cố vỗ về cô em Lại Thị Ngọc Ánh: “Yên tâm đi, người ta còn phải xem xét lại thành tích rồi mới có kết quả chính thức”. Số là, Ngọc Ánh về đích thứ 3 ở cự ly 200m, nhưng trọng tài lại trao nhầm bảng vị HCĐ cho VĐV ở làn bên cạnh, khiến nhà vô địch nội dung nhảy xa cứ chực khóc vì sợ… mất huy chương. Hai chị em xách ba lô, tấp tểnh theo hướng dẫn viên của ban tổ chức đi về địa điểm tập kết, chuẩn bị lên nhận huy chương.

Câu chuyện có thể đến đây là hết. Nhưng… chưa. Ban tổ chức đã phải lùi 1 giờ đồng hồ theo lịch trao huy chương ban đầu cho các VĐV ở cự ly 200m. Nguyên nhân là vì VĐV Nguyễn Thị Thủy chợt thấy khó ở, có hiện tượng máu lưu thông chậm và buồn nôn, cần y tế săn sóc. Cuối cùng, huy chương cũng được trao, người tươi roi rói trở lại. “Phúc của bà mẹ chồng chị đấy! Trước khi đi thi, chị mới xây lại mộ mới cho bà và khấn ‘Mẹ phù hộ độ trì cho con thi tốt, kiếm tiền về nuôi chồng, nuôi con’. Bà nhắc đấy!”, Nguyễn Thị Thủy tâm sự./.