PV: Để bù lấp những hạn chế về chuyên môn, không ít đội bóng ở V-League hiện nay chọn lối đá rắn, thậm chí có thể nói là bạo lực. Ông nghĩ thế nào về thực trạng này?

Ông Nguyễn Văn Mùi: Tôi nghĩ đó không phải là một giải pháp tốt cho bóng đá. Bóng đá là một môn thi đấu đối kháng, có sức mạnh nhưng tất cả phải tuân thủ luật lệ. Nếu không xử lý mọi việc trên sân thông qua luật lệ thì không còn là bóng đá nữa.

Cầu thủ dùng tiểu xảo, có hành vi bạo lực, lối chơi thô bạo cần được loại bỏ. Ngay từ khi vào lớp năng khiếu, chúng ta đã không làm nghiêm vấn đề kỷ luật, nhiều cầu thủ trẻ quen với cách chơi xấu, dùng lối chơi đó để hạn chế chuyên môn của đối phương.

xotxat.jpg
Trọng tài Nguyễn Trọng Thư (trái) đang cố gắng can thiệp trong vụ ẩu đả trên sân Lạch Tray ngày 1/6 vừa qua (Ảnh: VSI)

Bên cạnh đó, công tác giáo dục của lãnh đạo CLB với cầu thủ còn ít. Họ còn nuông chiều cầu thủ,  tìm cách duy trì lối chơi xấu để đạt kết quả, bảo vệ cầu thủ khi bị xử lý kỷ luật dẫn đến việc tình trạng bạo lực kéo dài từ mùa giải này sang mùa giải khác.

PV: Những hình ảnh xấu xí trong trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội.T&T ngày 1/6 vừa qua là rất đáng lên án. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Ông Nguyễn Văn Mùi: Ngay từ đầu trận đấu, cụ thể là ở phút thứ 5 đã xảy ra tình huống xô xát tập thể như vậy rõ ràng rất đáng lên án. Cầu thủ Hải Phòng đã có chủ trương đá xấu như vậy để hạn chế sức mạnh của đối thủ. Thế nên, việc cầu thủ Hà Nội.T&T khi bị cố tình phạm lỗi có trả đũa cũng là điều khó tránh khỏi vì cầu thủ cũng là con người nên việc nổi nóng, thiếu kìm chế khi bị chơi xấu là dễ hiểu.

Cũng may mắn là hôm đó ngoài Samson, hầu hết các cầu thủ khác của Hà Nội.T&T đều không tham gia ẩu đả, xô xát tập thể đấy. Nếu chẳng may trong tình huống đó, các cầu thủ khác của Hà Nội.T&T không kìm chế, cũng lao vào đánh nhau thì nhiều khả năng vụ ẩu đả còn lớn hơn, rất khó kiểm soát và còn có thể kích động khán giả trên sân.

Gonzalo chỉ có hành động ngăn cản xô xát chứ không tham gia vào tình huống ẩu đả đó như một số thông tin, không đánh lại cầu thủ Hải Phòng. Hôm đó, tôi thấy cầu thủ của  Hà Nội.T&T trừ Samson đều tỏ ra kìm chế, không thì hậu quả để lại còn lớn hơn.

PV: Mức án kỷ luật như quyết định của Ban Kỷ luật với những cầu thủ vi phạm ở 2 CLB Hải Phòng và Hà Nội.T&T theo ông có thoả đáng?

Ông Nguyễn Văn Mùi:Về quyết định xử  lý của Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài và cá nhân tôi xin không có ý kiến bình luận. Tuy nhiên, chắc chắn Ban Kỷ luật đã căn cứ trên cơ sở những chứng cứ, tư liệu mà BTC giải cung cấp. Ban Trọng tài không can thiệp và không có ý kiến gì thêm vì đó là việc của Ban Kỷ luật.

PV: Ngay sau khi Ban Kỷ luật công bố mức án, lãnh đạo CLB Hải Phòng đã phản ứng dữ dội và ông Chủ tịch đội bóng này còn tuyên bố doạ bỏ giải vì đội bóng bị xử ép. Theo ông, đó có phải là hành xử đúng mực của người đứng đầu một đội bóng chuyên nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Mùi: Tôi nghĩ đó là hành xử không chuyên nghiệp của Chủ tịch CLB Hải Phòng và ông ấy nên cân nhắc những phát ngôn của mình trên báo chí. BTC giải cũng cần phải có quy chế phát ngôn. Không chỉ lần này mà còn có những lần khác ông ấy có những phát ngôn không đúng đắn và không đúng sự thật.

BTC giải cũng nên làm việc với Chủ tịch CLB Hải Phòng để bản thân ông ấy kiểm soát hơn những phát ngôn của mình, làm sao cho đúng mực và đóng góp những giải pháp tốt hơn cho phát triển bóng đá hơn là phản ứng và có những phát ngôn, hành xử không đúng như vậy.

PV: Từ phía Ban Trọng tài sau sự việc vừa qua đã có biện pháp gì để nhắc nhở, rút kinh nghiệm cho các trọng tài?

Ông Nguyễn Văn Mùi: Tất nhiên, những vụ việc như vừa rồi cũng là bài học cho các trọng tài Việt Nam trong quá trình điều hành các trận đấu. Ban Trọng tài cũng thu thập dữ liệu để làm video clip để sau này ở những đợt tập huấn sẽ mang ra làm bài học, rút kinh nghiệm chung cho các trọng tài, làm sao để ở các vụ xô xát tập thể như vậy sẽ có những quyết định đúng luật và thuyết phục.

PV:Xin cảm ơn ông./.