Biến đi bộ thành…chạy bộ
Chiều qua (23/8), tại nội dung đi bộ 10km, VĐV Phan Thị Bích Hà của Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu rất tốt. Ở phần nước rút, Phan Thị Bích Hà đã tăng tốc đúng “kỹ thuật” để băng băng về đích.
Những tưởng VĐV đến từ Vĩnh Phúc sẽ giành tấm HCV ở nội dung đi bộ 10km thì bất ngờ đã xảy ra. Đó là VĐV Elena Goh Lin Ying của nước chủ nhà Malaysia, người bị Phan Thị Bích Hà bỏ xa trước đó thay vì đi bộ đã…chạy bộ về đích.
VĐV Bích Hà (số 628) không thể giành HCV đi bộ 10km vì đối thủ của chị chạy về đích. |
Theo quy định của bộ môn đi bộ, hai bàn chân của VĐV không được cùng lúc rời khỏi mặt đất, nếu không sẽ phải nhận thẻ vàng của các trọng tài. Băng ghi hình cho thấy, VĐV Elena Goh Lin Ying đã rời cả hai chân khỏi mặt đất, nhưng các trọng tài không can thiệp.
Chính việc các trọng tài “làm ngơ” khiến VĐV Phan Thị Bích Hà chỉ giành tấm HCB, để rồi nhìn VĐV của nước chủ nhà Elena Goh Lin Ying nâng cao tấm HCV mà không thể nói nên lời.
VĐV Thanh Phúc rơi nước mắt, khi VĐV nước chủ nhà Myanmar chạy bộ về đích để giành HCV đi bộ 20km (Ảnh: Quang Trung). |
Đây không phải lần đầu tiên các VĐV ở môn đi bộ của Việt Nam bị “cướp” HCV trắng trợn. Trước đó, ở kỳ SEA Games 2013, VĐV Thanh Phúc cũng bị VĐV của nước chủ nhà Myanmar chạy bộ, để đoạt HCV ở nội dung đi bộ 20km. Mặc dù vậy, sau đó VĐV Saw Mark Larnwe của Myanmar xác định dính doping và HCV đã được trao lại cho Thanh Phúc.
Bao giờ nước chủ nhà SEA Games mới hết chiêu trò?
SEA Games là ngày hội thể thao lớn nhất của 11 nước Đông Nam Á, diễn ra 2 năm một lần. Đại hội không chỉ là nơi tranh tài giữa các VĐV mà còn là dịp để các quốc gia gắn kết, giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh của mình.
Và trên tinh thần giao lưu, quảng bá hình ảnh đó, các nước chủ nhà đã tận dụng tối đa quyền chủ nhà, để đưa vào SEA Games những môn thi đấu mang đậm tính “văn hóa” của quốc gia mình.
Clip Bích Hà mất HCV vì đối thủ chạy bộ về đích (Nguồn: BTC)
Việc làm này, một mặt là để các nước bạn bè trong khu vực biết đến môn thể thao bản địa. Mặt khác nó là cơ hội không thể tốt hơn, để các đoàn chủ nhà “vơ vét” huy chương, qua đó kết thúc một kỳ đại hội thành công với ngôi đầu trên bảng tổng sắp huy chương.
Ở SEA Games 27, Myanmar đưa vào chương trình thi đấu môn Chinlone và một số môn khác, để thâu tóm huy chương vàng. Ở kỳ SEA Games 29 năm nay cũng vậy, Malaysia cắt hết những nội dung thế mạnh của các đoàn khác, đưa vào những môn, nội dung thế mạnh của mình, để “vơ vét” huy chương.
Tính đến 9h30 ngày 24/8, tức là 5 ngày sau khi SEA Games 29 chính thức khởi tranh, Đoàn Malaysia đang dẫn đầu bảng tổng sắp một cách tuyệt đối với 50 HCV, gần gấp đôi số HCV của Singapore, đứng ở vị trí thứ 2.
Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 29 tính đến 9h30 ngày 24/8. |
Ngoài việc dở những “chiêu trò” để vơ vét huy chương, cách tổ chức của các nước chủ nhà SEA Games nói chung và Malaysia nói riêng cũng có vấn đề. Ở kỳ đại hội năm nay, nước chủ nhà không có làng vận động viên, các quốc gia phải ở khách sạn.
Khi ở khách sạn, các đoàn thể thao của các nước liên tục bị làm khó. Nếu như futsal nam và nữ Thái Lan bị “cắt cơm” thì ĐT futsal nam Việt Nam hú hồn vì ở cạnh phòng có xác chết và bị nhân viên khách sạn phục vụ với thái độ không đúng mực.
Với ĐT nữ Myanmar, đội bóng này bị BTC cho đứng hàng giờ đồng hồ đợi xe về khách sạn, khi dám thắng đội chủ nhà tới 5-0. Trong khi đó, ĐT Cầu mây nữ Indonesia vì quá uất ức mà phải bỏ cuộc, khi các trọng tài thiên vị đội chủ nhà.
Đội hình tối ưu giúp U22 Việt Nam vượt ải Thái Lan
Rõ ràng, khi đã là nước chủ nhà SEA Games, thì bất kỳ quốc gia nào cũng có những lợi thế và quyền riêng của mình. Họ có thể tận dụng mọi thế mạnh, để xử ép và vơ vét được số huy chương nhiều nhất có thể.
Tuy nhiên, chính vì điều này mà SEA Games vẫn được nhiều người gọi là “ao làng” để VĐV của 11 quốc gia thành viên tham gia “tập bơi”. Và đến bao giờ các nước mới thôi tận dụng quyền chủ nhà, dở chiêu trò, để các VĐV bơi được ra sông, ra biển vẫn là câu hỏi lớn./.