ĐT Việt Nam giành chiến thắng trước ĐT Nhật Bản vẫn đang là giấc mơ chưa trở thành sự thực. Chúng ta đã có 4 lần chạm trán Samurai xanh ở cấp độ ĐTQG và thua cả 4 trận.

Tuy nhiên, HLV Bruno Formoso từng nói: “Nếu muốn biến giấc mơ thành sự thật, thì trước tiên bạn phải mơ cái đã”. Và một giấc mơ tưởng chừng hoang đường đã trở thành sự thật khi HLV Bruno Formoso và ĐT Futsal Việt Nam thắng Nhật Bản để giành vé dự World Cup Futsal vào năm 2016.

Liệu giấc mơ ĐT Việt Nam thắng ĐT Nhật Bản có trở thành sự thật vào tối nay? Đội ngũ thể thao VOV đã có cuộc trao đổi để phân tích cán cân sức mạnh giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản, với góc nhìn từ bình luận viên Thành Lương và phóng viên chuyên theo dõi bóng đá châu Á Trần Tiến.

 

-Đỗ Hùng Dũng đã phát biểu sau trận đấu trên sân Mỹ Đình hôm 24/3 vừa qua rằng Oman là đối thủ đáng gờm vì từng thắng Nhật Bản trên sân khách. Dường như khả năng đánh bại Nhật Bản là một dạng “đai đẳng” trong làng bóng đá châu Á?

PV Trần Tiến:Kể từ lần đầu tiên góp mặt tại World Cup vào năm 1998, bóng đá Nhật Bản đã phát triển rất nhanh và có 7 lần tham dự World Cup liên tiếp. Họ đã cùng Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia thiết lập một thế thống trị rất khó phá vỡ trong cuộc đua giành vé dự World Cup tại châu Á. Thực sự, Nhật Bản đang là một “ông kẹ” đúng nghĩa ở khu vực châu Á.

BLV Thành Lương:ĐT Nhật Bản đang có những cầu thủ thi đấu tại các giải hàng đầu châu Âu. Nền bóng đá Nhật Bản cũng nằm trong top 5 châu Á. ĐT Nhật Bản đã chơi rất thành công ở World Cup 2018 và vừa giành quyền tham dự VCK World Cup 2022. Rõ ràng, việc giành chiến thắng trước Nhật Bản là một loại thước đo, để đánh giá sự phát triển và năng lực của một đội bóng.         

-Chúng ta nên đo lường khoảng cách trình độ giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản như thế nào?

BLV Thành Lương: Hãy nhìn vào Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, ĐT Việt Nam mới có 3 điểm và đứng cuối cùng. Nhật Bản dù gặp nhiều khó khăn vẫn giành 21 điểm, đứng đầu bảng và có vé tới Qatar sớm 1 lượt trận. Họ đã có 7 lần dự World Cup liên tiếp rồi, còn ĐT Việt Nam mới có lần đầu vào đến vòng loại cuối.

Mục tiêu của Việt Nam đang là cố gắng lọt vào top 10 châu Á và đưa càng cầu thủ ra nước ngoài càng tốt. Trong khi đó, Nhật Bản đang thuộc nhóm “ngũ đại gia” ở châu Á và đã có rất nhiều cầu thủ trở thành ngôi sao đúng nghĩa tại châu Âu.  

Tôi không muốn nói theo kiểu Việt Nam cách Nhật Bản 10, 20 năm hay 50 năm nhưng chúng ta có thể thấy rằng mục tiêu của bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản đang rất khác nhau.    

PV Trần Tiến:Hai chữ “khoảng cách” bao gồm rất nhiều yếu tố của một nền bóng đá. Từ sự chuyên nghiệp ở cấp độ CLB, đến giải VĐQG rồi ĐTQG. Từ cơ sở vật chất tới điều kiện tập luyện, điều kiện thi đấu của cầu thủ. Từ mức độ đầu tư đến sự kỹ càng trong khâu chuẩn bị cho mỗi giải đấu…

Nhưng tóm lại, điểm cốt yếu nhất là chất lượng chuyên môn của cầu thủ và khả năng va đập với những nền bóng đá phát triển hơn. Nếu cứ giữ nguyên tình trạng như hiện nay, thì chúng ta vẫn phát triển thôi. Nhưng nếu mình tiến 1 bước thì họ có thể đã tiến 1,5 hoặc 2 bước rồi.

-Các anh đánh giá thế nào về khả năng ĐT Việt Nam giành chiến thắng trước ĐT Nhật Bản, có thể không phải tối nay mà trong tương lai?

BLV Thành Lương: Về tình huống Việt Nam có thể thắng Nhật Bản ở cấp độ ĐTQG, thì cũng cần lưu ý có những thời điểm kết quả trận đấu không phụ thuộc vào chất lượng cầu thủ, chiến thuật, hay là tư duy làm bóng đá. Thứ nhất là tác động của yếu tố may mắn. Người ta vẫn nói là mọi thứ đều có thể xảy ra trong bóng đá. Thứ hai là sự thăng hoa bất ngờ của cầu thủ. Hãy nhìn lại World Cup 2018, Nhật Bản đã dẫn trước Bỉ 2-0 nhưng rồi để thủng lưới vì một pha đánh đầu “trời ơi đất hỡi” của Fellaini và rồi thua ngược 2-3 một cách điên rồ. 

Tại thời điểm này chúng ta có thể thắng ĐT Nhật Bản ngay lập tức nếu được may mắn ủng hộ và cầu thủ có sự thăng hoa. Nhưng để thắng Nhật Bản một cách bền vững, từ trận này qua trận khác thì chúng ta cần cả một nền bóng đá phát triển và đó là một câu chuyện dài.

PV Trần Tiến:Về cột mốc thời gian thì Giám đốc kỹ thuật của VFF - Yusuke Adachi từng đưa ra phát biểu vào năm 2020 rằng “30 năm nữa bóng đá Việt Nam đủ sức thắng Nhật Bản”. Ở cấp độ trẻ, chúng ta cũng từng thắng họ tại ASIAD 2018. Nhưng nếu nhìn lại trận đấu này thì có một vài điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, Olympic Nhật Bản lúc đó đã có vé đi tiếp và không đặt nặng vấn đề thành tích. Thứ hai, chúng ta dự giải với thành phần U23 còn họ dùng đội U21. Như vậy, Olympic Việt Nam có lợi thế hơn về độ tuổi và kinh nghiệm. Thứ ba, một trận đấu cũng chưa nói lên điều gì cụ thể. Thực tế Olympic Việt Nam đứng thứ tư chung cuộc tại ASIAD 2018 còn Olympic Nhật Bản là Á quân.

Chiến thắng của Olympic Việt Nam trước Olympic Nhật Bản có giá trị lớn nhất về mặt tinh thần. Chúng ta biết nếu mình nỗ lực thì có thể thắng được những đối thủ mạnh hơn, những đối thủ mà tưởng chừng không thể thắng được.

-Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ cách làm bóng đá của Nhật Bản?

BLV Thành Lương: Nhật Bản đã có 2 lần làm bóng đá chuyên nghiệp. Lần đầu tiên là trong thập niên 1980, họ đã đầu tư rất mạnh để mời những cầu thủ tên tuổi trên khắp thế giới về J-League, nhưng đến thập niên 1990 thì chính sách ấy sụp đổ. Lần thứ hai là những năm 2000 với một cách đi khác. Họ xây dựng dựng bóng đá ở cấp độ cơ sở, tạo nên một chân đế rộng với nhiều CLB ở hạng dưới rồi dần dần đóng góp cho những CLB ở cấp cao hơn và tạo nên một hình kim tự tháp. Thành công của Nhật Bản cho thấy không thể phát triển bóng đá theo kiểu “ăn xổi”, bùng nổ rồi lụi tàn, mà cần phải phát triển nền móng vững chắc để hình thành nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng cho giải VĐQG và ĐTQG.

-Giải VĐQG là nền móng của nền bóng đá, nhưng hiện tại V-League đang gây tranh cãi vì quãng nghỉ 4 tháng để nhường chỗ cho các đội tuyển. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này ra sao?

PV Trần Tiến:Đặc thù của bóng đá Việt Nam vẫn là ở đẳng cấp thấp. Thế nên chúng ta cần có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng thì mới có thể hướng đến mục tiêu cao tại giải khu vực hoặc thi đấu một cách tạm được trước những đối thủ hàng đầu châu lục như tại Vòng loại cuối cùng của World Cup.

Do đó, việc tạm dừng giải VĐQG để dồn sự tập trung cho ĐTQG là điều hợp logic. Tuy nhiên, điều này quả thực thiệt thòi cho các CLB và cũng khiến các cầu thủ không được lên ĐTQG bị mất phong độ.Về lâu dài thì chúng ta cần linh hoạt hơn trong việc vận hành nền bóng đá nói chung và giải VĐQG nói riêng.

Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của chính Nhật Bản. Dù ĐTQG đang tập trung nhưng các CLB vẫn thi đấu J-League Cup. Hôm 26/3 vừa qua, Cerezo Osaka của Đặng Văn Lâm vẫn ra sân vì chỉ có 1-2 cầu thủ về khoác áo ĐTQG thôi. Còn đội nào có 5-6 cầu thủ bận phục vụ ĐTQG thì sẽ được nghỉ. Cách làm tương tự cũng được áp dụng ở một số nước châu Á khác hoặc ở các giải hạng thấp tại Anh. 

Nếu áp dụng ở Việt Nam, thì những CLB có nhiều tuyển thủ như HAGL hay Hà Nội FC có thể nghỉ rồi đá bù sau, còn các CLB khác vẫn thi đấu thay vì tạm dừng giải đấu. Điều đó sẽ giúp nhịp sống của giải VĐQG không bị xáo trộn quá nhiều.

-Bóng đá Việt Nam đang làm gì để thu hẹp khoảng cách với Nhật Bản?

BLV Thành Lương: Bóng đá Việt Nam lúc này không cần đập đi xây lại như Nhật Bản năm xưa. Chúng ta đang có những xoay chuyển đáng chú ý. Cách đây 5 năm, VFF đã có những ký kết với JFA để học theo mô hình bóng đá Nhật Bản. Hiện tại, chúng ta cũng mới có những thoả thuận hợp tác với các LĐBĐ khác như Oman, Qatar hay Hàn Quốc. Nếu mở rộng quan hệ với những LĐBĐ quốc tế thì chúng ta sẽ có thêm những sự hỗ trợ về phương pháp huấn luyện, mô hình quản lý điều hành, kiến thức về tâm lý, dinh dưỡng và rất nhiều yếu tố khác.

Bóng đá Việt đã và đang phát triển tốt trong những năm gần đây. Kể từ năm 2018, HLV Park Hang Seo xuất hiện thì cùng với đó là một chuỗi thành công nhất định. Và đi ngược lại thời gian, thì trước đó chúng ta đã có những đầu tư vào công tác đào tạo trẻ để hình thành một thế hệ cầu thủ tài năng.

-Vậy chúng ta nên xác định tâm thế ra sao cho trận đấu sắp tới với Nhật
Bản?

PV Trần Tiến:Thực tế ĐT Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về lực lượng ở đợt tập trung này. Chắc chắn chúng ta không có được lực lượng mạnh nhất. Chúng ta cũng phải xác định mình hoàn toàn ở cửa dưới. Cơ hội để gây bất ngờ là rất rất nhỏ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định tâm lý thoải mái vì nếu thua thì thua Nhật Bản chứ thua đội nào đâu mà sợ. Chúng ta có thể xác định đây là trận đấu để cọ xát, học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, cố gắng trao cơ hội cho những cầu thủ tài năng. Nếu thắng hoặc hoà được thì tốt, còn nếu thua thì cũng nhìn nhận nhẹ nhàng vui vẻ.

BLV Thành Lương: Người Nhật cũng rất thoải mái ở trận cuối cùng. Tôi nghĩ rằng HLV Hajime Moriyasu sẽ tạo điều kiện cho những cầu thủ trẻ, những cầu thủ ít được ra sân thi đấu ở các trận trước góp mặt trong trận gặp ĐT Việt Nam.

Về phần mình, chúng ta đã có 3 điểm ở vòng loại này và làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam cũng như bóng đá Đông Nam Á. Nếu ĐT Việt Nam thắng Nhật Bản thì đó là kỳ tích. Nhưng trong trường hợp đó, thì chúng ta cũng không thể bắc cầu rằng mình là số 1 bền vững ở Đông Nam Á hoặc chắc chắn sẽ vươn tầm châu lục hay World Cup được.

Trong trường hợp ĐT Việt Nam thắng Nhật Bản vào tối nay, đó sẽ giống như một dạng danh hiệu để mang đến thêm sự tự tin cho các cầu thủ./.