Nhìn lại chặng đường của ĐT Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy sau mỗi giải đấu lớn lại có một HLV trưởng bị thay thế. Sau thất bại tại SEA Games 26 vào tháng 11/2011, HLV Falko Goezt đã phải nhận quyết định sa thải từ VFF khi đang về nước đón Giáng sinh cùng gia đình. Việc này khiến chính HLV người Đức phải thốt lên: “Thật quá bất ngờ và khó chấp nhận”.
Mới đây, ĐTVN bị loại ngay từ vòng đấu bảng AFF Cup 2012, đến lượt HLV Phan Thanh Hùng phải ra đi. Ông Phan Thanh Hùng từng được đặt nhiều kì vọng khi giúp ĐTVN thi đấu có bản sắc tại VFF Cup - giải đấu trước thềm AFF Cup. Đồng thời giúp ĐTVN vượt qua Thái Lan và Malaysia để đứng đầu trong bảng xếp hạng FIFA khu vực Đông Nam Á. Nhưng đến khi đội tuyển thi đấu không thành công vì nhiều lí do, trách nhiệm chính lại thuộc về ông Phan Thanh Hùng. Và từ chức như là một kết quả tất yếu đối với vị HLV người Đà Nẵng.
Có lẽ vì những bài học nhãn tiền ấy, nên khi được gợi ý làm HLV “tạm quyền”, ông Hoàng Anh Tuấn đã thẳng thừng phát biểu trước báo giới: “Tạm quyền tức là tạm thời, không chắc chắn. Do đó, nếu VFF mời tôi làm HLV tạm quyền chỉ nắm đội tuyển trong hai trận đấu tới, tôi sẽ không đồng ý.”
Ông Hoàng Anh Tuấn đã đạt được bản hợp đồng “kỉ lục” cho một HLV trưởng (ảnh: Thanh Niên) |
Lẽ thường, nhận trách nhiệm HLV trưởng đội tuyển không chỉ đơn thuần là một công việc mà đó còn là trách nhiệm với Quốc gia, khó có thể chối từ. Nhưng đối với một HLV có cá tính như ông Hoàng Anh Tuấn, việc ông thẳng thừng từ chối chức “HLV tạm quyền” hoàn toàn có thể hiểu được. Xây dựng phong cách chơi bóng cho một đội tuyển là điều không đơn giản. Điều đó cần thời gian hàng năm trời, lối chơi càng đặc sắc càng cần thời gian dài hơn. Ví như lối đá tiqui-taca nổi tiếng của Barcelona. Các cầu thủ phải ăn tập với nhau trong thời gian tính đến hàng chục năm từ lò đào tạo La Masia, với chỉ một lối đá bóng ngắn duy nhất trong thời gian ấy. Nên nếu chỉ trao vào tay HLV Hoàng Anh Tuấn một vài trận đấu, thì liệu ông có thể tạo ra dấu ấn gì?
Bản hợp đồng kỉ lục
HLV Hoàng Anh Tuấn từ chối “tạm quyền”, việc tìm HLV trưởng cũng lâm vào thế khó. Bởi để lọc ra một HLV nội hội đủ tiêu chuẩn của VFF: Có bằng A AFC, ngoại ngữ tốt, có kinh nghiệm… là điều không đơn giản. Hơn nữa, ông Tuấn cũng đã có thời gian gắn bó với đội tuyển khi làm trợ lí cho HLV Phan Thanh Hùng.
Bởi lẽ đó, ông Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có “cái thế” của mình khi ngồi vào bàn đàm phán với VFF. Và một bản hợp đồng được xem là chưa từng có với các HLV ĐTQG đã được soạn ra. Theo đó, ông Tuấn sẽ làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia với mức lương 200 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm thưởng. Bên cạnh đó, ông Tuấn và ban huấn luyện cũng không bị “áp” mục tiêu phải vô địch mà chỉ cần giúp hai đội tuyển có thành tích tốt nhất. Chơi một lối chơi rõ ràng, có bản sắc và tinh thần thi đấu tích cực.
“Kỉ lục” của bản hợp đồng giữa ông Tuấn và VFF chính là thời hạn hợp đồng. HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ nắm hai đội tuyển trong thời gian ba năm. Đây là bản hợp đồng với HLV trưởng có thời hạn chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Kỉ lục cũ thuộc về ông Calisto với thời gian hai năm.
Sau khi đặt bút kí hợp đồng, ông Tuấn sẽ phải chuẩn bị lực lượng gồm 50 gương mặt để đăng kí với VFF, chuẩn bị cho chiến dịch Asian Cup 2015. Với mục tiêu chính là trẻ hóa lực lượng, đem lại những sự thay đổi mang tính đột phá cho hai đội tuyển. Buổi lễ ra mắt HLV trưởng sẽ diễn ra vài ngày sau đó.
Bản hợp đồng với HLV Hoàng Anh Tuấn, nhìn vào khía cạnh tích cực có thể thấy đây là quyết định dũng cảm của VFF. Để xây dựng nên một lối chơi bền vững và được trải nghiệm qua thời gian, chứ không phải liên tục thay đổi HLV như thời gian vừa qua./.