Chiều 5/12, ông Phan Thanh Hùng đã chính thức xin từ chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, sau thất bại của đội bóng tại AFF Cup 2012. Vậy là lần đầu tiên sau 8 năm, đội tuyển Việt Nam mới có một HLV nội dẫn dắt. Nhưng sau thất bại thảm hại vừa qua, LĐBĐ Việt Nam (VFF) dường như đang có ý định trở lại với giải pháp sử dụng HLV nước ngoài. Dù cho quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, nhưng những động thái của LĐBĐ Việt Nam cho thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách tin và dùng người – và đó cần được xem là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại có hệ thống của đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia tại các giải đấu gần đây.

Một năm trước, sau thất bại của đội tuyển U23 tại SEA Games tổ chức ở Indonesia, HLV Falko Goetz bị sa thải. Quyết định được đưa ra từ Hội đồng HLV quốc gia, sau khi bị ban chấp hành của VFF “chuyền đường bóng” gây thiệt hại tới hàng chục ngàn đô la, vì phải đền bù việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với HLV người Đức. Khi đó, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tuyên bố: “Quyết định sa thải hay sử dụng tiếp HLV Falko Goetz là do Hội đồng HLV quốc gia. Nếu Hội đồng quyết định chấm dứt sớm, chúng tôi sẽ chấp nhận, kể cả phải đền bù tiền”.

anh-tran-vn-phlippine_-buon1.jpg
HLV Phan Thanh Hùng buồn bã sau trận đấu của ĐT Việt Nam với ĐT Philippines (ảnh: Minh Hoàng)

Giải thích thêm cho quyết định sa thải ông Goetz, Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn khi đó giải thích là HLV Falko Goetz “chỉ chuẩn bị có 1 phương án chiến thuật, và khi bị đối phương bắt bài thì vỡ kế hoạch” – một lời giải thích khó có thể chấp nhận ở một vị Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, nhưng suốt sự nghiệp làm việc tại VFF chỉ chuyên giữ vai trò đối ngoại, và trong suốt năm 2011 chỉ dành tâm huyết cho việc điều hành công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều ông Phạm Ngọc Viễn, thông qua phân tích của HLV Goetz, đã chỉ ra điểm yếu chết người của bóng đá Việt Nam: “Giải thích về việc tại sao đội tuyển của chúng ta thi đấu lại yếu kém đến như thế, ông ấy nói rằng chất lượng và con người cầu thủ của chúng ta chỉ có như thế. Thiếu trung vệ, thiếu tiền đạo. Và khi chọn cầu thủ toàn là người chạy biên, chuyên kèo trái, ông ấy bảo chỉ có người như thế, buộc phải chọn và lựa cách sử dụng”.

Thực tế, điểm yếu chết người này đã được chính HLV H.Calisto chỉ ra từ trước khi đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008. Đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục còn thiếu trung vệ và tiền đạo, bởi các vị trí này đều được các CLB giao cho cầu thủ nước ngoài. Và cầu thủ Việt Nam chỉ có cơ hội khi thi đấu ở các vị trí khác, hoặc chạy biên.

Công Vinh thi đấu mờ nhạt trong AFF Cup 2012 (ảnh: Minh Hoàng)

Trở lại với quyết định của VFF chọn lựa ông Phan Thanh Hùng ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, kiêm nhiệm cả vị trí HLV đội U23 và vẫn được phép dẫn dắt CLB Hà Nội.T&T, trước hết, cần phải khẳng định, đây là chủ trương của VFF, với tiếng nói quyết định của Hội đồng HLV quốc gia, cụ thể là ông Nguyễn Sỹ Hiển, Chủ tịch Hội đồng.

“Quan điểm chuyên môn của chúng ta là nên giao các đội tuyển cho các HLV nội dẫn dắt. Chúng ta chỉ phải chuẩn bị cho 2 đội bóng U19 tham dự vòng loại U22 châu Á và đội tuyển quốc gia thi đấu vào cuối năm. Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng HLV nội nhưng Liên đoàn cần đặt ra nhiều điều kiện cho ứng viên” – ông Nguyễn Sỹ Hiển cho biết.

Như vậy, Hội đồng triển khai việc tìm kiếm ứng viên, với những ứng viên Mai Đức Chung, Nguyễn Thành Vinh, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng và Phan Thanh Hùng. Cuối cùng, sau ít nhất 4 cái lắc đầu từ chối, sau 3 lần VFF lùi thời điểm công bố danh tính HLV trưởng đội tuyển quốc gia, ông Phan Thanh Hùng được lựa chọn, và VFF buộc phải chấp nhận vai trò “3 trong 1” kể trên.

HLV Phan Thanh Hùng trong trận ĐT Việt Nam gặp ĐT Thái Lan (ảnh Getty Images)

Vậy là 1 năm sau thất bại tại SEA Games, 8 năm sau lần cuối đội tuyển có thầy nội, ông Phan Thanh Hùng được tự do lựa chọn nhân sự cho ban huấn luyện, đội tuyển, với rất nhiều những tranh cãi, phản biện, kể cả “xử lý kỷ luật nội bộ”. Ngay trước thềm AFF Cup 2012, VFF đã được cảnh báo về tình trạng tuyển thủ không ổn định tâm lý, khi tập luyện tại Việt Nam, trước khi sang thi đấu tại Thái Lan. Dù vậy, ông Nguyễn Trọng Hỷ vẫn khẳng định: “Rất mừng là các em rất bình tĩnh, tập trung cho việc tập luyện. Bản thân Liên đoàn cũng chủ động tổ chức Hội nghị để thảo luận với các CLB để giải quyết luôn, tránh bị động và giúp các cầu thủ không mất nghề, tập trung thi đấu cho đội tuyển”.

Sự thực là chẳng có vấn đề gì được giải quyết. Navibank Sài Gòn chính thức tuyên bố giải thể ngày 05/12. 2 CLB bóng đá Hà Nội khẳng định không tham dự mùa giải mới, khi những Thành Lương, Công Vinh đang ở Thái Lan. Bản thân HLV Phan Thanh Hùng đau răng, nhức đầu, mất ngủ vẫn phải liên tục bay từ Nha Trang vào TP HCM, từ TP HCM ra Hà Nội rồi ngay lập tức ngược trở vào để cùng đội sang Thái Lan. Thế nên mới có chuyện cầu thủ bắn tin cho giới truyền thông chuyện bất đồng nội bộ, cầu thủ trong đội “bằng mặt không bằng lòng” với nhau trong suốt quá trình dự giải, và “nói một đằng, làm một nẻo”.

Thực tế là Công Vinh, ngôi sao lớn nhất của đội tuyển Việt Nam không có một cú sút cầu môn đối phương, không một đường kiến tạo trong 2 trận đấu với Myanmar và Philippines, cũng như không thèm đi giày phút nào trong lúc ngồi dự bị ở trận đấu cuối với Thái Lan.

Cũng không phủ nhận, HLV Phan Thanh Hùng có hạn chế về năng lực chuyên môn và khả năng ứng biến tình thế - điều từng lộ rõ khi ông còn là trợ lý cho HLV Calisto ở AFF Cup 2008. Thế nên, việc ông “thất bại ngoài tưởng tượng” trên đất Thái là điều dễ hiểu.

Và bây giờ, ông quyết định từ chức cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thất bại của cá nhân ông khi “muốn thử thách giới hạn chịu đựng của bản thân” là rất nhỏ, so với thất bại của LĐBĐ Việt Nam, với người đứng đầu tổ chức này, khi đưa ra một chủ trương sai, đi kèm với những điều kiện dễ dãi ngay từ ban đầu. Và lớn hơn cả, đó là việc đánh mất niềm tin của hàng chục triệu người hâm mộ, đối với đội tuyển nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung.

Để kết thúc, người viết muốn những người lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam cùng ngẫm lại trách nhiệm bản thân, qua tiếng nói của ông Trần Quốc Tuấn, người đã từ chức Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam, vị trí Tổng thư ký VFF, sau thất bại của đội U23 tại SEA Games 1 năm về trước.

“Đội tuyển chúng ta không đạt được chỉ tiêu, và với tư cách Trưởng đoàn tôi có phần trách nhiệm. Trong thời gian qua, tôi đã nỗ lực cho nền bóng đá Việt Nam và LĐBĐ Việt Nam nói riêng, đã đến thời điểm tôi thấy rằng cũng cần phải dừng lại và chính vì vậy mà tôi đã xin từ chức Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam, cũng như xin đề nghị với Ban chấp hành và thường trực liên đoàn cho rút khỏi vị trí Tổng thư ký”./.

Bầu chọn
Theo bạn quyết định để ông Phan Thanh Hùng từ chức là đúng hay sai?