Với các VĐV thể thao, chuyện ép cân không có gì là xa lạ, nhất là với các VĐV thuộc bộ môn võ, vật. Nhưng đằng sau 2 chữ "ép cân" là nỗi kinh hoàng, cơn sợ hãi, ám ảnh, mà chỉ nhắc đến thôi, các VĐV đã "lắc đầu, rụt cổ, lè lưỡi". Ép 2-3 kg để đảm bảo trọng lượng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nếu phải ép cả chục cân trong thời gian 1 tuần, đó không còn là chuyện bình thường nữa. Thành Lương, PV Đài TNVN tại Hàn Quốc, đã tìm hiểu về "ác mộng" của các VĐV ấy.

Hỏi ông Nguyễn Thế Long, Trưởng bộ môn vật - thể hình (Tổng cục TDTT), về chuyện "quân vật" ép cần như thế nào, vị lãnh đội tuyển vật Việt Nam chỉ lắc đầu cười, rồi bảo: "Chuyện đó bây giờ bình thường rồi, em nào cũng quen nên không còn sợ nữa đâu". Nói là nói vậy, nhưng ông Nguyễn Thế Long cũng thừa nhận đó là "cực hình" đối với VĐV.

img_3709_tbng_suxz.jpgCác môn võ, đô vật có yêu cầu rất khắt khe về cân nặng (Ảnh: Võ Đăng)

Thử hình dung, trước khi vào giải nửa tháng, các VĐV bắt đầu ép cân. Có đô vật phải giảm 6kg. Vì thế đến thời điểm cận kề giải, việc mỗi ngày giảm 1 kg là chuyện cũng bình thường. Vậy làm thế nào để ép cân? Đó là mặc áo mưa, áo khoác 2-3 lớp tập các bài giảm cân, với cường độ mạnh, cao hơn so với bình thường. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng được chế định theo khẩu phần giảm các chất mỡ và tinh bột, tăng cường các chất đạm bằng các thực phẩm như thịt, tim, cật…

Ở Asiad lần này, nhằm đảm bảo trọng lượng và thể lực cho các VĐV ở môn vật và boxing, với 100% là nữ VĐV, các HLV đều phải tiến hành chế độ ép cân cho học trò từ trước. Ông Nguyễn Văn Cường, HLV trưởng tuyển boxing nữ Việt Nam cho biết, việc ép cân cho VĐV cũng phải được tiến hành theo phác đồ, giáo án có khối lượng, chứ không phải cứ thích thì làm.

Lừu Thị Duyên, 1 trong 2 nữ võ sĩ vừa mang về tấm HCĐ boxing Asiad đầu tiên trong lịch sử quyền anh nữ Việt Nam cho biết, ở Trung Quốc thậm chí còn có kiểu ép cân khủng khiếp hơn. Các VĐV chạy trong áo ni-lon bọc kín người, kết thúc bài chạy thì được đưa ngay vào phòng xông hơi, lúc đó cảm giác đau tức ngực và rất khó thở.

Lừu Thị Duyên kể:” Đợt ở vòng loại Olympic, tôi phải đánh hạng 51kg, mà lúc đó tôi suýt soát 60kg, bắt đầu ép xuống 54kg, trong quá trình ép thì phải nhịn ăn, nhịn uống. Mỗi buổi tập, thầy ra trông mình chạy 30- 60 phút sau mỗi buổi tập. Mà tập xong thì chỉ tắm rửa, nghỉ ngơi, nhìn chai nước rồi nuốt nước bọt, chứ không được uống. Hồi trước, ép cân không có thuốcchỉ tự sắm hoặc uống thuốc đạm bình thường. Còn đợt này, bọn em có amino, tinh chất hồng sâm, đường, vitamin C, orezon…”.

Lừu Thị Duyên (Ảnh: Tấn Phúc/Tuổi trẻ)

Còn Lê Thị Bằng, HCĐ boxing Asiad hạng dưới 48kg, bổ sung: “Bình thường, khi chuẩn bị vào giải khoảng 1 tháng, chúng tôi phải tập thêm như chạy, nhảy dây. Ép cân nhưng vẫn phải bảo đảm được trọng lượng và năng lượng đã mất. Vì vinh quang trước mắt đem lại cho bản thân và cho đất nước, tôi chỉ nghĩ là mình phải cố gắng thôi”.

Tâm sự của Lê Thị Bằng không nói hết được toàn bộ cảm giác của cô và nhiều đồng đội khác. Thành thật mà nói, có không ít VĐV đã gục ngã trước thử thách tinh thần và thể xác khắc nghiệt đó. Lừu Thị Duyên thẳng thắn thừa nhận đã từng có lúc muốn vứt bỏ tất cả, vì mệt quá, chán nản quá.

Khi trả lời câu hỏi: “Có bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc không?”, Lừu Thị Duyên nói: “Có chứ. Có một giải ở bên Thái Lan, lúc đó tôi mệt và chán, tinh thần thi đấu xuống luôn. Nhưng, một bộ phim về chú cánh cụt đã truyền cho tôi động lực để cố gắng hơn nữa. Từ đó đến nay tôi vẫn tập luyện và thi đấu”. 

Nếu Lừu Thị Duyên rất ấn tượng bởi những chuyến tập huấn tại Thái Lan, bởi ở đó, cô phải tập luyện hàng ngày cùng các nữ võ sĩ có "những cú ra đòn nặng khủng khiếp và cơ bắp cuồn cuộn, cứng như sắt", thì Lê Thị Bằng lại nhớ kỷ niệm ngày đầu lên tuyển, tập cùng các chị hạng trên, vừa lên đài còn chưa kịp che tay chắn mặt, chị đã giáng cho cú sưng làm tím mặt, bầm mắt suốt cả tuần. Và có một điều mà các cô gái đến từ Lào Cai hay Hưng Yên đều tâm niệm, đó là boxing nữ Việt Nam mới nhen nhóm phát triển, và đi thi đấu không phải lúc nào cũng giành được giải, bởi vậy, luôn phải biết tự giữ tâm lý cân bằng và… tránh phải ép cân trước thềm những giải tới.

Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, những lúc thất bại như vậy cũng chỉ biết an ủi, động viên các em, rằng lần này còn có lần sau, không được nản chí. Nhưng, ông Nguyễn Văn Cường cũng bày tỏ mong muốn: “Với tư cách là HLV, tôi cũng chỉ mong mỏi là lãnh đạo tạo điều kiện tốt hơn cho các cháu được đi tập huấn nhiều hơn, để các cháu trưởng thành hơn, bớt ngợp tâm lý, và phát triển hơn nữa môn boxing nữ này”.

1-2 ngày tới, Lê Thị Bằng, Lừu Thị Duyên sẽ lên đường về nước, và chuẩn bị cho một đợt tập huấn mới. Cả 2 đều hớn hở vì không phải ép cân. Nhưng các thế hệ VĐV trước và sau 2 cô gái này, vẫn luôn có những người phải đối mặt với nỗi cực hình ép cân, bởi vinh quang luôn phải được trả bằng một cái giá không nhỏ./.