Đứng đầu “danh sách đen” này là 5 cầu thủ từng bị cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam K.H.Weigang đòi đuổi về nước ở Tiger Cup 1996, sau trận hòa Lào 1-1. Đó cũng được coi là “điểm mốc” để liệt kê, truy xét lại những HLV, cầu thủ có dính líu đến tiêu cực.

Thực hư bản “danh sách đen” đó ra sao, đến nay vẫn như câu chuyện truyền kỳ. Thế nhưng, dư âm mà nó để lại là rất lớn. Thậm chí, tạo nên một sự nghi kị trên diện rộng, với những người tham gia bóng đá. 

Dĩ nhiên, người hâm mộ cũng bị nhiễu, sự nghi ngờ dâng cao khiến mất niềm tin với nhiều thần tượng là dễ hiểu. Cũng có một số nạn nhân bị xì xào là có tên trong “danh sách đen” ở thời điểm nhạy cảm khiến họ điêu đứng.

vn-740da.jpg
Rất khó để xác định xem thái độ thi đấu của cầu thủ nào là có vấn đề để từ đó cấm cửa lên đội tuyển - Ảnh: Kim Ngọc

Pháp luật chỉ có đúng và sai, có tội hay không có tội. Tiếc rằng, bản “danh sách đen” đó đã không được làm sáng tỏ. Nếu xem đấy là động thái để hù dọa các đối tượng đang tham gia bóng đá biết sợ, làm bóng đá tử tế, đã không phát huy tác dụng. 

Bằng chứng, tiêu cực trong bóng đá thời điểm đó càng bùng phát. Kết quả, hàng loạt cầu thủ, trọng tài, quan chức đã bị pháp luật sờ gáy năm 2005.

Giờ đây, sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012, VFF lại tiết lộ rằng họ đang sở hữu “danh sách đen” những cầu thủ có vấn đề về tư tưởng, thái độ. Động thái đó đã làm dấy lên sự bất bình, không chỉ trong nội bộ cầu thủ tham gia AFF Cup 2012.

Nói thế là bởi một cầu thủ là một số phận, họ có danh dự, còn cả tương lai phía trước, xoay quanh đó là bao nhiêu người thân. Và chắc chắn, dư luận muốn VFF công bố bản danh sách trên, để mọi chuyện rõ ràng hơn, chắc chắn chỉ có lợi cho sự nghiệp chấn hưng bóng đá nước nhà. Khi bản danh sách chưa công bố, cứ bị VFF giấu kín thì sự nghi kị càng bao phủ, không dễ chịu chút nào.

Đến đây, dư luận có quyền nghi ngờ: thực ra có bản “danh sách đen” đó không? Hay đấy chỉ là những suy luận cảm tính như một chiến thuật tâm lý để đánh lạc hướng dư luận?

Có lẽ, VFF đã khó xử, bởi nếu công bố bản “danh sách đen” sẽ bị cầu thủ kiện như chơi. Nếu nhân vật nào tiêu cực như dàn xếp bán độ, sẽ chẳng khó khăn để cơ quan chức năng tìm ra bằng chứng.

Nhưng, tìm ra bằng chứng để kết luận thái độ cầu thủ có vấn đề, e rằng khó bởi nhân vật bị điểm chỉ sẽ đủ lý do để bào chữa cho mình. Ví dụ: “Căn cứ vào đâu các chú, các bác khẳng định chúng tôi thái độ có vấn đề”.

Ai cũng phải thừa nhận, cầu thủ bán độ đã giảm, nhưng thái độ thi đấu vật vờ là căn bệnh chung của bộ phận lớn cầu thủ ta. Chẳng có máy móc nào có thể kiểm chứng được thái độ cầu thủ có vấn đề hay không, ngoài những nhận xét cảm tính.

Ở cấp CLB, lâu nay điêu đứng bởi thái độ năm nóng, năm lạnh của giới cầu thủ. Dư luận, báo giới cũng kêu trời ở mỗi đoạn cuối các mùa giải về thái độ thi đấu của cầu thủ. 

Tiếc rằng, hệ thống “soi chiếu” của VFF luôn bị qua mặt, hay nói chính xác hơn họ luôn không quan tâm đến thái độ thi đấu của cầu thủ, dù có vấn đề, dù có thể căn cứ vào nhiều yếu tố để xử, cũng chỉ để cho mùa giải hạ cánh an toàn./.