Theo ông Kimmitt, gói hỗ trợ quân sự của Washington cho Kiev vào tháng trước bao gồm những hệ thống "lỗi thời và kém hiện đại hơn". Đó "có thể là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ sử dụng vũ khí trên chiến trường vượt quá mức độ sản xuất và tới một thời điểm nào đó, việc cung cấp cho Ukraine sẽ gần như cạn kiệt".

Việc các nước NATO phải đối mặt với "kho vũ khí tiên tiến cạn kiệt" có thể đồng nghĩa với một cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine. Kịch bản này có thể dẫn đến "nhiều sức ép hơn cho các quốc gia hỗ trợ Ukraine, vốn đang đối mặt với lạm phát, thiếu khí đốt và tỷ lệ ủng hộ trong dân chúng giảm dần" ở phương Tây.

Ông Kimmitt cũng đề xuất 4 cách để đẩy nhanh việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ bảy.

Lựa chọn đầu tiên là nghiên cứu kỹ kho vũ khí của NATO và cung cấp cho Kiev những vũ khí mà một số nước thành viên vẫn trì hoãn chuyển giao do nhu cầu phòng thủ của mình. Theo ông Kimmitt, đó là điều mà một số nước EU có thể sẵn sàng thực hiện bởi họ "thà sử dụng những vũ khí này ở Kherson (Ukraine) còn hơn là sử dụng chúng ở Krakow (Ba Lan)".

Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng có thể tăng cường sản xuất các hệ thống vũ khí mà chính quyền Tổng thống Zelensky yêu cầu. Dù vậy, ông Kimmitt thừa nhận động thái này sẽ không thể thay đổi ngay lập tức tình hình chiến trường.

Lựa chọn thứ ba là "thúc đẩy diễn biến cuộc xung đột" bằng cách cung cấp cho Ukraine các hệ thống tầm xa như tên lửa ATACMS, tiêm kích F-16 và hệ thống phòng không Patriot, cũng như mở rộng quy tắc tham gia tấn công các mục tiêu ở Crimea và có lẽ là Nga. Tuy nhiên, chuẩn tướng Mỹ đã nghỉ hưu cảnh báo sự leo thang này có thể đối mặt với "phản ứng từ Moscow" và tạo ra rủi ro khiến xung đột lan rộng ở châu Âu.

Giải pháp cuối cùng theo ông Kimmitt là Ukraine "thúc đẩy giải pháp ngoại giao tạm thời mà không hoặc có sự nhượng bộ về lãnh thổ".

"Bắt đầu một giải pháp ngoại giao có lẽ không phải là một giải pháp làm hài lòng các bên và có lẽ bị coi là bên thất bại nhưng hầu như có rất ít cơ hội để thoát khỏi vũng lầy hiện tại. Vì thế, có lẽ thà đàm phán hiện nay còn tốt hơn sau này", ông Kimmitt cho hay.

Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ cuộc đàm phán ở Istanbul hồi cuối tháng 3. Moscow ban đầu lạc quan về tiến trình đàm phán nhưng sau đó cáo buộc Kiev đảo ngược những tiến triển đã đạt đươc ở Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng, Moscow đã mất niềm tin vào các nhà đàm phán Ukraine. Các quan chức Nga cũng cảnh báo, các yêu cầu của Moscow sẽ mở rộng nếu các cuộc đàm phán được nối lại./.