Các quốc đảo Thái Bình Dương phản ứng tích cực trước tuyên bố của Mỹ.

Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương vào hôm 12/7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, khu vực Thái Bình Dương đã không nhận được sự quan tâm xứng đáng từ phía Mỹ trong nhiều năm qua và giờ đây Mỹ sẽ “lắng nghe”, “hợp tác” với khu vực để gia tăng sức mạnh cho Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, giúp các nước “đoàn kết, mạnh mẽ để củng cố tiếng nói trên trường thế giới”.

“Mỹ tự hào là một quốc gia Thái Bình Dương và có cam kết lâu dài với các quần đảo trong khu vực. Đó là lý do vì sao Tổng thống Joe Biden và tôi tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với các bạn. Chúng tôi nhận thấy rằng, trong những năm gần đây, các quốc đảo ở Thái Bình Dương không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ xứng đáng. Và hôm nay tôi ở đây để nói với các bạn rằng chúng tôi sẽ thay đổi điều này”.

Để cùng đồng hành với các quốc đảo Thái Bình Dương trong việc thực hiện mục tiêu này Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã công bố kế hoạch mở 2 Đại sứ quán của Mỹ tại Tonga và Kiribati.

Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Harris cũng công bố việc bổ nhiệm một đặc phái viên mới tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương và đầu tư 500 triệu USD cho Cơ quan nghề cá của Diễn đàn để đổi lấy quyền đánh bắt cá, xoa dịu mối quan hệ không mấy êm thấm giữa Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương trong những năm qua.

Không chỉ vậy, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng cho hay Mỹ sẽ tái thiết lập phái bộ khu vực của Cơ quan phát triển Mỹ tại Fiji và đưa tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình Mỹ quay trở lại khu vực.

Phản ứng trước những cam kết mới của Mỹ đối với khu vực, Tổng thư ký Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương Henry Puna cho biết bài phát biểu cho thấy những điểm mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực đồng thời cho thấy cam kết của nước này đối với khu vực Thái Bình Dương “theo cách có ý nghĩa và thực chất”. Ông Henry Puna cũng khẳng định “đây không phải là vấn đề địa chính trị. Lịch sử của chúng tôi đã đi qua một chặng đường dài. Chúng tôi đã là bạn của nhau từ rất lâu rồi và thật vui khi thấy tình bạn đó đã sống lại một cách có ý nghĩa”.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ là “bước đi tích cực”, xác thực tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc muốn tái kết nối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một cách mạnh mẽ hơn.

Việc Mỹ đẩy mạnh cam kết đối với khu vực Thái Bình Dương đưa ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng diễn ra quyết liệt với sự gia tăng hiện diện và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại nơi mà trước kia có mối quan hệ chặt chẽ với Australia và New Zealand.

Trong nhiều năm qua, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực lên tới gần 3 tỷ USD, viện trợ ODA mà Trung Quốc cung cấp cho khu vực tính đến năm 2017 đạt 1,7 tỷ USD trong khi giá trị giao lưu thương mại giữa Trung Quốc với khu vực này lên tới 5,3 tỷ USD. Không chỉ ngày càng trở thành đối tác kinh tế quan trọng, Trung Quốc còn vừa ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon khiến một số quốc gia trong khu vực lo ngại thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc Trung Quốc thiết lập sự hiện diện hải quân tại Solomon, nơi cách Australia chưa đầy 2.000km.

Trung Quốc hiện cũng đang nỗ lực thuyết phục các nước Thái Bình Dương ký thỏa thuận hợp tác chung trong hàng loạt các vấn đề trong đó bao gồm các vấn đề nhạy cảm như cảnh sát, viễn thông. Trong chuyến thăm 8 quốc đảo Thái Bình Dương vào tháng 6/2022 vừa qua của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc cũng đã ký hơn 50 thỏa thuận với các quốc gia trong khu vực.

Việc cùng lúc Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với khu vực Thái Bình Dương sẽ khiến cho các nước này nhận được nhiều khoản viện trợ và đầu tư quan trọng, giúp cải thiện nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy nó cũng cho thấy sự tranh giành ảnh hưởng đang gia tăng mạnh mẽ, đẩy các nước Thái Bình Dương đối mặt với những lựa chọn không dễ dàng./.