Những nỗ lực của Nga nhằm đối phó với cuộc phản công mạnh mẽ của Ukraine bằng cách huy động hàng trăm nghìn quân nhân dự bị và đòn tập kích tên lửa của Nga vào thủ đô Kiev cùng nhiều thành phố khác ở Ukraine để đáp trả vụ nổ trên cầu Crimea cho thấy sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua, đánh giá của tình báo phương Tây và các chuyên gia quân sự cho biết.

Cuộc tập kích tên lửa trên diện rộng dường như lặp lại kịch bản những ngày đầu giao tranh vào tháng 2, nhưng cũng cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine – vốn đang chìm trong bế tắc suốt nhiều tháng qua đã bùng phát mạnh mẽ một lần nữa khi mùa Đông đến gần.

Đây không phải lần đầu tiên chiến sự bước sang một giai đoạn cao trào mới không thể đoán trước. Ông Keir Giles, thành viên cấp cao của chương trình Nga và Á-Âu tại cơ quan tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House cho rằng: “Cuộc chiến có thể bước sang các giai đoạn thứ 3, thứ 4 và thứ 5 như những gì chúng ta đang thấy”.

Các quan chức của Mỹ và nhiều nước châu Âu dự đoán Ukraine sẽ tiếp tục phản công trong những tháng tới, ngay cả khi điều kiện thời tiết trong mùa Đông khiến tốc độ của cuộc chiến chậm lại.

Phát biểu với báo chí tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: “Tôi hy vọng Ukraine sẽ tiếp tục nỗ lực trong suốt mùa Đông để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất và đạt được hiệu quả trên chiến trường”.

Ukraine gấp rút chuẩn bị cho mùa Đông đầy thách thức

Ukraine hiện đang củng cố quyền kiểm soát các khu vực mà lực lượng này vừa giành được tại Kherson trong khi Nga cũng đạt được bước tiến, chẳng hạn như chiếm một số ngôi làng gần thị trấn Bakhmut, phía Đông Donbass.

Theo giới phân tích, tốc độ tiến quân của 2 bên sẽ bị chững lại khi mùa Đông đến gây ra hiện tượng băng tuyết ở phía Đông và bùn lầy ở phía Nam. Việc di chuyển binh sỹ và thiết bị quân sự trên chiến tuyến chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều. Một quan chức phương Tây nhận định, trong những tháng tới, thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông có thể buộc Ukraine phải dừng các bước tiến, vì thế hiện giờ họ cần duy trì thế chủ động và động lực chiến đấu.

Những tuần tiếp theo của cuộc xung đột sẽ rất quan trọng và một đợt leo thang căng thẳng khác có thể diễn ra khi các bên tìm cách giáng đòn mạnh vào đối phương và phía bên kia tìm cách đáp trả tương xứng.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), quân đội Ukraine đang tập trung chủ yếu vào việc đẩy lùi lực lượng Nga về phía Đông, sau khi vượt sông Oskil vào cuối tháng 9, còn Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ các thành phố Starobilsk và Svatove ở vùng Lugansk. Các lực lượng Ukraine dường như muốn tăng cường lợi thế của họ trước khi nhiệt độ giảm mạnh và trước khi châu Âu “ngấm” tác động tiêu cực của việc tăng giá năng lượng.

Chuyên gia Keir Giles nhận định: “Có rất nhiều lý do thúc đẩy Kiev phải hoàn thành kế hoạch một cách nhanh chóng, trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu trong mùa Đông, cơ sở hạ tầng năng lượng và nguồn điện của Ukraine bị phá hủy sau các cuộc tấn công và chưa thể khắc phục hoàn toàn. Đây sẽ là phép thử lớn đối với khả năng phục hồi của Ukraine và những người ủng hộ phương Tây”.

Các nhà lãnh đạo NATO tuyên bố sẽ “kề vai sát cánh với” Ukraine bất kể cuộc chiến diễn ra trong bao lâu, nhưng một số quốc gia châu Âu - đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga - đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng, giá cả sinh hoạt leo thang đắt đỏ. Nếu Kiev không thể duy trì bước tiến trên chiến trường, sự ủng hộ đối với họ có thể bị giảm sút.

Các vụ việc diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây cho thấy, những địa điểm nằm ngoài khu vực chiến tuyến cũng không thể tránh khỏi bị tấn công. Hiện vẫn chưa rõ chính xác vụ đánh bom cầu Kerch được thực hiện như thế nào và Kiev cũng không nhận trách nhiệm, nhưng việc một mục tiêu nằm trong lãnh thổ do Nga kiểm soát bị tấn công đã nêu bật mối đe dọa từ Ukraine đối với các tài sản quan trọng của Nga. Trong khi vụ tập kích tên lửa của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng tại nhiều thành phố lớn của Ukraine cũng khiến Kiev và phương Tây bất ngờ.

Nga cũng gặp không ít khó khăn

Nga vẫn chưa giành được ưu thế trên không và đang nỗ lực chống lại cuộc phản công của Ukraine theo nhiều hướng, tuy vậy, cuộc tấn công ngày 10/10 đã giúp trấn an những nhân vật cứng rắn trong nước, đồng thời chứng minh cho giới tinh hoa thấy rằng, ông Putin không chấp nhận lùi bước trước bất cứ mối đe dọa nào và quân đội Nga vẫn bảo toàn được sức mạnh”, Abbas Gallyamov, một nhà phân tích chính trị người Nga nhận định.

Tổng thống Putin từng cảnh báo nếu Ukraine “tiếp tục tấn công khủng bố” nhằm vào cơ sở hạ tầng của Nga, Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ và tương xứng. Tuyên bố này dường như ám chỉ rằng cuộc tấn công của Nga có thể lặp lại.

Tuy nhiên tình báo phương Tây cho rằng, Nga sẽ không thể duy trì những cuộc tấn công như vậy vì kho dự trữ vũ khí chính xác tầm xa của nước này có hạn và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga gặp khó khăn trong việc tiếp tục sản xuất tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường. Jeremy Fleming - Giám đốc cơ quan tình báo hàng đầu của Anh GCHQ nhấn mạnh: “Chúng tôi biết và các chỉ huy Nga trên chiến trường cũng biết rằng nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược của họ đang cạn kiệt”.

ISW cũng đưa ra kết luận tương tự trong bản cập nhật thông tin về cuộc xung đột: “Việc Nga sử dụng nguồn cung cấp vũ khí chính xác hạn chế của họ để thực hiện cuộc tấn công như vậy có thể khiến ông Putin mất đi các lựa chọn nhằm ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine”.

Số binh sỹ trên chiến trường và lượng vũ khí mà mỗi bên có được trong kho dự trữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định cục diện chiến trường sẽ thay đổi ra sao trong những tuần tới. Ukraine đang kêu gọi các đối tác phương Tây trang bị thêm cho nước này hệ thống phòng không và tên lửa để đẩy lùi những cuộc tập kích tên lửa tiềm tàng của Nga trong tương lai.

Về phần mình, Moscow có thể nhận được sự trợ giúp từ đồng minh thân cận Belarus. Thông báo của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về việc nước này và Nga đã đồng ý triển khai một nhóm quân chung trong khu vực khiến phương Tây lo ngại Belarus có thể can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Belarus từng cảnh báo về mối đe dọa từ phía Ukraine đối với an ninh của nước này trong những ngày gần đây – điều mà các nhà quan sát đánh giá có thể là màn dạo đầu cho sự can dự ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, tác động của sự can thiệp từ phía Belarus, nếu có, sẽ rất hạn chế. Belarus chỉ có khoảng 45.000 binh sỹ tại ngũ. Con số này chỉ giúp Nga gia tăng một phần nhỏ nhân lực, nhưng lại đe dọa một cuộc tấn công khác vào sườn phía Bắc của Ukraine.

“Việc mở lại mặt trận phía Bắc sẽ là một thách thức mới đối với Ukraine. Điều đó sẽ cung cấp cho Nga một tuyến đường mới vào (khu vực) Kharkov, vốn đã bị Ukraine tái chiếm, nếu ông Putin ưu tiên nỗ lực giành lại lãnh thổ này”, chuyên gia Giles nhận xét./.