“Nga đang cạn kiệt các thiết bị vi điện tử quan trọng đối với tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này. Các quan chức Nga lo ngại họ sẽ không có đủ phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Hai trong số các nhà sản xuất vi điện tử lớn nhất của Nga đã tạm thời dừng sản xuất do thiếu công nghệ quan trọng”, ông Wally Adeyemo nói. Tuy nhiên quan chức này không nêu rõ loại linh kiện vi điện tử hoặc hệ thống vũ khí mà Nga không thể sản xuất.

Theo đánh giá chính thức của Ukraine, hiện kho dự trữ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga đang ở mức thấp đáng kể. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho rằng, trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, Nga có 900 tên lửa Iskander-M, 500 tên lửa Calibre và 440 tên lửa KH-101. Sau gần 8 tháng giao tranh, kho dự trữ đã giảm xuống với 123 tên lửa Iskander, 272 tên lửa Calibre và 213 tên lửa KH-101.

Tình báo Mỹ ban đầu nhận định, Nga sẽ hết tên lửa hành trình Calibre vào ngày 20/3/2022. Không rõ liệu đây có phải đánh giá sai lầm do phía Mỹ thấy rằng Nga đã sử dụng rất nhiều tên lửa hành trình trong cuộc xung đột hoặc Washington đã tính toán thiếu chính xác về kho dự trữ ban đầu của Nga. Cũng có khả năng là cả 2 yếu tố đó.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất, chế tạo vũ khí của Nga vẫn diễn ra và không bị gián đoạn nghiêm trọng. Mức độ dự trữ vũ khí của mỗi quốc gia là bí mật hàng đầu, vì thế thường rất khó đánh giá chính xác.

Theo một số nhà phân tích, đánh giá của Wasington cho rằng việc thiếu linh kiện vi điện tử Mỹ khiến quá trình sản xuất vũ khí của Nga gặp khó khăn, có thể đúng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Moscow sẽ dừng hoàn toàn việc sản xuất vũ khí. Họ có thể chuyển sang sử dụng các linh kiện điện tử được sản xuất trong nước và dần dần đẩy nhanh hoạt động chế tạo vũ khí.

Mặc dù Nga sẽ mất một vài tháng để thay thế thiết bị vi điện tử của phương Tây bằng thiết bị điện tử của chính nước này, nhưng điều đó sẽ giúp Moscow có động lực và nhanh chóng đáp ứng kịp thời mức tiêu thụ vũ khí của các lực lượng vũ trang Nga.  

Một yếu tố quan trọng là Nga có thể dễ dàng sao chép những chức năng mà linh kiện vi điện tử của phương Tây cung cấp. Những linh kiện điện tử tương đương của Nga có thể có kích cỡ lớn hơn và nặng hơn linh kiện điện tử của phương Tây. Các thiết bị điện tử cao cấp của phương Tây được cho là dựa trên công nghệ chip đi trước công nghệ chip của Nga khoảng 10 đến 15 năm. Tuy vậy, chức năng của những con chip mà Moscow phát triển dựa vào quá trình sao chép được cho là không thua kém gì chip của phương Tây.  

Tất nhiên, sẽ có một số thách thức khi lắp đặt những linh kiện điện tử nặng và cồng kềnh hơn vào tên lửa hoặc máy bay. Điều đó sẽ dẫn đến việc thu hẹp không gian và tăng trọng lượng. Để giải quyết tình trạng này, nhà sản xuất sẽ phải giảm bớt khả năng chứa nhiên liệu của chúng. Vấn đề nằm ở chỗ, máy bay hoặc tên lửa chứa ít nhiên liệu hơn và có trọng lượng nặng hơn sẽ có tầm hoạt động thấp hơn.

Nhưng trong cuộc xung đột Ukraine, việc giảm bớt tầm bắn không phải là vấn đề quan trọng đối với tên lửa hành trình và máy bay của Nga. Ngoài ra, Moscow được cho là có công nghệ composite tiên tiến hơn nhiều so với trước đây khi phát triển tên lửa và máy bay. Do vậy, trọng lượng của các loại vũ khí trên có thể được giảm bớt thông qua sử dụng vật liệu này.

Yếu tố tiếp theo là Nga được kế thừa khá nhiều công nghệ tự động hóa của Liên Xô. Liên Xô được cho là tụt hậu từ 10 đến 15 năm so với Mỹ trong việc phát triển vi điện tử, nhưng lại liên tục dẫn trước Washington về công nghệ tự động hóa trong phát triển tàu vũ trụ và máy bay chiến đấu.

Dự án chế tạo tàu vũ trụ Buran của Liên Xô được cho là ưu việt việt hơn cả của Mỹ. Cách đây 30 năm, ngày 15/11/1988, Liên Xô cho ra mắt con tàu vũ trụ tái sử dụng đầu tiên mang tên Buran. Con tàu này thuộc dự án siêu tốn kém hàng tỷ USD, lớn nhất chưa từng có trong lịch sử thám hiểm không gian. Nó được đưa vào không gian bằng tên lửa đẩy siêu mạnh Energia, bay hai vòng quanh quỹ đạo trái đất và sau đó trở về bệ phóng ban đầu. Chuyến bay được thực hiện bằng chế độ tự động hoàn toàn, không có người điều khiển. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện một tàu vũ trụ có khả năng tự hành, hạ cánh theo lịch trình cài đặt trước như vậy. Trong khi các tàu vũ trụ của Mỹ ở thời điểm đó chủ yếu được lái bằng tay.

Nếu Nga chia sẻ thiết kế linh kiện điện tử trong hệ thống vũ khí của nước này với một quốc gia phát triển mạnh về vi điện tử thì vấn đề thiếu hụt linh kiện sẽ được giải quyết, một số chuyên gia lưu ý. Bên cạnh đó, Moscow cũng có thể tìm sự hỗ trợ từ Trung Quốc – một đối tác thân thiết. Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc có thể sản xuất những linh kiện cần thiết và cung cấp cho Nga.

Theo đánh giá từ phía Mỹ, khả năng chế tạo vũ khí của Nga chắc chắn sẽ bị thu hẹp ở thời điểm hiện tại do các lệnh trừng phạt. Nhưng để xác định liệu những lệnh trừng phạt đó có khiến Nga phải dừng sản xuất vũ khí hoặc chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine hay không thì vẫn cần thời gian để xem xét./.