Cuộc chiến tiêu hao tại Ukaine đang bước vào một giai đoạn mới khi quân đội Ukraine tìm cách giành lại quyền kiểm soát các khu vực ở phía Nam bao quanh Kherson và Nga đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn với phương Tây khi cáo buộc Mỹ trực tiếp can dự vào cuộc xung đột.

Ukraine được cho là đã khởi động cuộc phản công ở phía Nam qua vụ tấn công vào căn cứ không quân của Nga trên Bán đảo Crimea, dọc theo bờ Biển Đen vào ngày 9/8.

Hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy, các vụ nổ tại căn cứ này đã phá hủy 9 máy bay của Nga và làm hư hại các tòa nhà chung cư gần đó. Quân đội Nga thông báo kho đạn trong sân bay Saki trên bán đảo Crimea phát nổ do các quân nhân vi phạm quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, theo Washington Post, một quan chức Ukraine lại nói rằng, lực lượng đặc nhiệm của nước này đã thực hiện cuộc tấn công.

Nhiều người đã đặt câu hỏi nếu Ukraine thực hiện cuộc tấn công này, thì họ đã làm điều đó như thế nào và mục đích ra sao?

Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là căn cứ không quân này bị tấn công từ cự ly tương đối ngắn, có thể là máy bay không người lái cảm tử, trong một cuộc đột kích mạo hiểm của lực lượng đặc nhiệm Ukraine. Về mặt lý thuyết, việc sử dụng tên lửa tầm xa cũng không thể loại trừ, bởi căn cứ này nằm trong tầm bắn của tên lửa Neptune phóng từ Odessa cách đó 265km. Tuy nhiên những người nghiên cứu video về vụ nổ cho thấy có rất ít bằng chứng chứng tỏ điều đó.

Justin Bronk, chuyên gia phòng không tại Viện dịch vụ Hoàng gia Anh cho rằng, mục tiêu chính của cuộc tấn công không phải là phá hủy các máy bay của Nga, mà nhằm giáng đòn mạnh vào khả năng đảm bảo an toàn của không quân Nga tại Crimea. Điều đó khiến Moscow phải triển khai nhiều binh sỹ, thiết bị và dành nhiều nguồn lực hơn để bảo vệ các căn cứ không quân của họ. Ông Justin Bronk cho biết, Moscow có thể phải rút bớt lực lượng trên tiền tuyến hoặc “phụ thuộc vào các căn cứ không quân ở xa hơn” để hỗ trợ cho Crimea.

Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, chiến lược của Ukraine chuyến hướng sang mặt trận phía Nam là buộc Nga phải phân tán lực lượng tại Donbass, từ đó giúp Kiev dễ bề tấn công. Quân đội Nga đã đạt được nhiều tiến bộ tại mặt trận phía Đông và đang củng cố các cứ điểm mà họ thành lập. Nhưng huyết mạch thực sự của Ukraine là những khu vực nằm dọc bờ Biển Đen. Nếu các lực lượng Ukraine có thể đẩy lùi Nga ra khỏi Kherson và Zaporizhzhia, họ có thể kiểm soát bờ biển và đảm bảo việc tiếp cận hàng hải tới các thị trường toàn cầu.

Cây bút David Ignatius của Washington Post nhận định, chiến dịch phản công của Ukraine ở phía Nam cũng có thể được thúc đẩy bởi mong muốn ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân của chính quyền Kherson về gia nhập Nga. Các quan chức phương Tây cho rằng cuộc trưng cầu có thể diễn ra trong tháng 8 hoặc tháng 9 và có khả năng làm leo thang xung đột, khiến các cuộc đàm phán hòa bình ngày càng khó khăn hơn.

Ukraine không có cơ hội để thử nghiệm

Nhiều ý kiến cho rằng, Ukraine có thể đang cố gắng đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi Kherson trước mùa Thu. Với cuộc phản công lớn ở khu vực miền Nam, Ukraine hy vọng sẽ giành được lợi thế trước Nga sau những tổn thất nặng nề về binh sỹ và khí tài quân sự mà Kiev hứng chịu trong hơn 5 tháng qua. Ở thời điểm Nga đang đối mặt với nhiều thách thức, chính quyền Tổng thống Zelensky hy vọng có thể giành lại những vùng lãnh thổ đã mất và cuối cùng đẩy quân đội Nga ra khỏi biên giới.

Chính quyền Biden cho biết, Mỹ đang cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí, đạn dược và những khóa huấn luyện cần thiết để họ có thể giành chiến thắng trong trận chiến giành lại lãnh thổ bị ở miền Nam. Hồi đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một gói viện trợ vũ khí lớn nhất, trị giá 1 tỷ USD trong đó chuyển giao thêm các tên lửa cho 16 hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS mà Ukraine đã tiếp nhận, 75.000 viên đạn pháo và các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến.

Trong khi đó, Nga đã cáo buộc Mỹ cung cấp thông tin tình báo cho Kiev để tấn công lực lượng Nga. Căng thẳng leo thang sau khi tờ Daily Telegraph ngày 1/8 đưa tin, Tướng Ukraine Vadim Skibitsky, Phó Cục trưởng Cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng Ukraine, nói rằng "chúng tôi sử dụng thông tin" từ Mỹ để sử dụng hệ thống HIMARS tấn công nguồn tiếp tế nhiên liệu và đạn dược của Nga. Nga đã có phản ứng gay gắt trước tuyên bố của ông Vadim Skibitsky.

Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ "Đây là những bằng chứng không thể chối cãi rằng Mỹ đang can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraine, trái với tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc", đồng thời cảnh báo chính quyền Biden phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Khi được hỏi về bình luận của ông Skibitsky, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi chỉ cung cấp cho Ukraine những thông tin chi tiết, nhạy cảm theo thời gian thực để giúp họ hiểu rõ những mối đe dọa mà họ đang đối mặt và tự vệ trước cuộc tấn công của Nga”.

Theo Washington Post, mục tiêu của Mỹ trong việc chia sẻ thông tin tình báo nhiều khả năng là để xem xét liệu Ukraine có thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào quá rủi ro hay không. Trước đó, ông Skibitsky cũng tiết lộ rằng, sự trao đổi thông tin sẽ cho phép Washington ngăn bất cứ cuộc tấn công tiềm năng nào nếu không hài lòng với mục tiêu đã định”.

Đối với Ukraine, giai đoạn thứ 3 của cuộc chiến có thể bớt áp lực hơn so với 2 giai đoạn trước đó, khi nước này nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn về thông tin tình báo và vũ khí từ phương Tây, đặc biệt là pháo hạng nặng, đạn dược và nhiều vũ khí tiên tiến. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, chiến lược phản công sẽ rất mạo hiểm bởi Nga có một lực lượng quân đội lớn gấp nhiều lần so với Ukraine và Moscow cũng có lợi thế về phòng thủ khi đối phó với Kiev, không giống như các giai đoạn trước đó. William B. Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Kiev nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp cho cuộc phản công của Ukraine, nhưng họ buộc phải thành công. Không có cơ hội để thử nghiệm và thất bại”./.