Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các bên liên quan “mở đường” cho thanh sát viên quốc tế tiếp cận địa điểm này để đánh giá tình hình. Câu hỏi đặt ra hiện nay là tình hình tại nhà máy điện hạt nhân này nguy hiểm thế nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Tầm quan trọng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, được xây dựng từ thời Liên Xô, nằm ở bờ Nam sông Dnipro, gần thị trấn Enerhodar thuộc vùng Zaporizhzhia. Đây là một trong 10 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới.

Nó có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với cả Nga và Ukraine. Hai bên đã nỗ lực tranh giành quyền kiểm soát địa điểm này kể từ khu xung đột nổ ra.

Nơi đây có 6 lò phản ứng hạt nhân (trong đó có ít nhất 2 lò phản ứng đang hoạt động) và một cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng. Mỗi lò tạo ra 950MW với tổng sản lượng là 5.700MW, đủ để cung cấp điện năng cho 4 triệu ngôi nhà.

Nhà máy có thể sản xuất điện năng đạt từ 40 tỷ đến 42 tỷ kWh, chiếm 1/5 sản lượng điện trung bình hàng năm ở Ukraine và gần 47% sản lượng điện do các nhà máy điện hạt nhân tại nước này tạo ra.

Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy này không lâu sau khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các cuộc giao tranh giữa 2 bên tại khu vực gần nhà máy hồi tháng 3 đã dẫn đến một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại khu vực đào tạo của nhà máy này. Nga vẫn cho phép các nhân viên Ukraine tiếp tục làm việc để giữ cho nhà máy hoạt động và cung cấp điện cho các vùng do chính phủ Ukraine kiểm soát.

Thời gian gần đây, Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhà máy làm bàn đạp để bắn vào các vị trí của Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng cáo buộc Nga sử dụng nhà máy này như "lá chắn hạt nhân". Ông Blinken nhấn mạnh: "Ukraine không thể bắn trả vì sợ sẽ xảy ra một thảm họa khủng khiếp liên quan đến nhà máy hạt nhân”. Điều này đã cho phép Nga tấn công các khu vực như thành phố Nikopol bên kia sông - nơi đã bị pháo kích dữ dội trong những tuần gần đây.

Những mối lo ngại mới

Có 2 vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại về nguy cơ mất an toàn tại nhà máy này. Thứ nhất, các quan chức phụ trách an toàn hạt nhân quốc tế lo về vấn đề thiếu phụ tùng thay thế, thiếu khả năng tiếp cận để bảo trì các lò phản ứng thường xuyên và khó khăn trong việc liên lạc với các nhân viên nhà máy do ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Thứ hai là các vụ tấn công bằng tên lửa xung quanh nhà máy cuối tuần qua mà cả Nga lẫn Ukraine đều cáo buộc nhau thực hiện. Công ty điện hạt nhân Energoatom của Ukraine cho biết, khu vực chứa nhiên liệu đã qua sử dụng đã bị trúng đạn trong vụ pháo kích mới nhất, khiến 3 cảm biến giám sát bức xạ bị hư hỏng và một nhân viên bị thương. Điều này khiến việc phát hiện bức xạ bị rò rỉ từ các thùng chứa nhiên liệu đã qua sử dụng rất khó khăn.

Tuy vậy, các quan chức Ukraine bị cho là đưa ra những tuyên bố cường điệu về nguy cơ hạt nhân nảy sinh do các cuộc giao tranh ở Zaporizhzhia, vì thế rất khó đánh giá mức độ nguy hiểm của vụ tấn công cuối tuần qua. Kiev cho biết, mục tiêu của họ hiện giờ là chuyển nhà máy này thành một khi phi quân sự và ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga xuất phát từ đây.

Các lò phản ứng trong nhà máy là những cấu trúc lớn, kín và có thể chịu được tác động đáng kể. Chúng được xây dựng bằng bê tông cốt thép và được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy. Mark Wenman, chuyên gia hạt nhân tại Đại học Hoàng gia London, cho biết các lò phản ứng của nhà máy được thiết kế "để chống chịu trước những thảm họa thiên nhiên hoặc các sự cố do con người gây ra như tai nạn máy bay". Ông nói: “Tôi không tin rằng lò phản ứng sẽ bị phá hủy thậm chí là hư hại khi bị trúng đạn pháo”.

Trong khi đó, các khu chứa nhiên liệu đã qua sử dụng không có cấu trúc như vậy và có mức độ bảo vệ thấp. Do vậy, nguy cơ rò rỉ nhiên liệu đã qua sử dụng bao giờ cũng lớn hơn so với nguy cơ vỡ lò phản ứng hạt nhân.

Việc đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà máy có lẽ là vấn đề quan trọng nhất bởi đạn pháo có thể rơi trúng nơi đây bất cứ lúc nào khi giao tranh diễn ra. Một thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia không chỉ đe dọa Ukraine mà cả miền Nam nước Nga, biến nhiều khu vực xung quanh thành “vùng đất chết”. Chính vì thế các bên sẽ phải xem xét kỹ lưỡng mỗi động thái của mình.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Rafael Mariano Grossi, cho rằng các vấn đề nảy sinh liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường ở Ukraine, thậm chí vượt xa biên giới nước này. Ông mô tả “tình hình có thể hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát".

Ông Rafael Mariano Grossi nói: “Có cả một danh sách những điều không thể để xảy ra trong bất cứ cơ sở hạt nhân nào”. Ông Grossi đã đề xuất cử một phái đoàn của IAEA đến giám sát nhà máy, nhưng Ukraine đã bác bỏ sáng kiến ​​này. Hồi tháng 6 vừa qua, công ty Energoatom cho cho biết, bất cứ chuyến thăm nào của thanh sát viên IAEA cũng có thể hợp pháp hóa sự hiện diện của Nga ở đó./.