Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20/1 tuyên bố, vòng đàm phán do quốc tế làm trung gian giữa chính phủ Syria và phe đối lập nên bắt đầu ngay trong tháng này theo kế hoạch.

Phát biểu của Ngoại trưởng Nga đưa ra sau khi Nga và Mỹ chưa nhất trí được danh sách thành phần đối lập Syria tham gia hòa đàm khiến gia tăng những lo ngại vòng đàm phán đa phương về Syria dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 25/1 tới có thể bị trì hoãn. 

28_10_15n_bsyria_2_zsmk.jpg
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có tới  13,5 triệu người ở Syria đang cần được hỗ trợ khẩn cấp. (ảnh: Reuters).

Phát biểu sau cuộc hội đàm tại Zurich, Thụy Sĩ với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn là cơ sở để giải quyết cuộc xung đột ở Syria, đồng thời cả Moscow và Washington không có ý định chuyển thời gian đàm phán giữa các bên Syria sang tháng 2. 

Ngoại trưởng Nga cho biết: “Chúng tôi hy vọng, vòng đàm phán sẽ bắt đầu trong thời gian sớm nhất vào tháng này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra theo khuyến nghị đặc biệt của đặc phái Vienna Staffan de Mistura. Ông ấy đang tích cực liên hệ với tất cả các bên ở trong và ngoài Syria và sẽ sớm gửi giấy mời đến các bên tham gia hòa đàm”.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu và sẽ phải mất một thời gian dài. Vì thế, một loạt nhiệm vụ khó khăn nhất sẽ phải được giải quyết theo đúng nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc và những quyết định của Nhóm hỗ trợ quốc tế đã đưa ra tại Vienna và New York”, ông Sergei Lavrov cho biết thêm.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại cho rằng, vòng đàm phán đa phương về vấn đề Syria, dự kiến diễn ra tại Geneva ngày 25/1 tới, có thể bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do nhiều vấn đề, trong đó có bất đồng giữa Nga và Mỹ về thành phần đối lập tham gia đàm phán. Sau hội đàm, ngoại trưởng hai nước vẫn chưa đi đến thống nhất về danh sách thành phần tham gia.

Nga và Iran đến nay vẫn phản đối lập trường của Saudi Arabia, Mỹ và châu Âu về việc kiên quyết loại bỏ Tổng thống Syria al-Assad khỏi tiến trình chuyển giao chính trị. Hay như việc Nga coi nhóm Ahrar-as-Sham và Jaish al-Islam là khủng bố và không được phép tham gia vào tiến trình chính trị Syria kéo dài 18 tháng do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, thì phương Tây cho rằng các phe nhóm này là hợp pháp.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết cả Nga và Mỹ đều đã chuyển cho đặc phái Vienna Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura quan điểm của mình, đồng thời hy vọng Liên Hợp Quốc sẽ có thể lập ra một phái đoàn đối lập Syria mang tính đại diện cao nhất.  

Theo ngoại trưởng Lavrov Nga, Mỹ và các nước Nhóm quốc tế ủng hộ Syria sẽ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán giữa các bên mà chỉ hỗ trợ để các bên đạt thỏa thuận về tiến trình chuyển tiếp.

Tại cuộc gặp đầu tiên trong năm nay giữa hai nhà ngoại giao Nga và Mỹ, hai nước nhấn mạnh sẵn sàng ủng hộ và cùng phối hợp trong hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Syria.

Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm tại Syria diễn ra trong bối cảnh tình hình nhân đạo ở quốc gia Trung Đông này đang trở nên nghiêm trọng. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có tới 13,5 triệu người ở Syria đang cần được hỗ trợ khẩn cấp./.