Ấn Độ - một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới

Tổ chức nghiên cứu Báo cáo dân số thế giới có trụ sở tại Mỹ cho biết Ấn Độ đang phát triển nền kinh tế thị trường mở và GDP của nước này năm 2019 đạt 2.940 tỉ USD, đứng ngay trên Anh và Pháp với GDP lần lượt là 2.830 tỉ USD và 2.710 tỉ USD. Tuy nhiên, do dân số đông nên GDP bình quân đầu người của Ấn Độ chỉ là 2.170 USD. Báo cáo cũng cho biết tính theo sức mua tương đương (PPP), quy mô GDP của Ấn Độ là 10.510 tỉ USD, vượt qua Nhật Bản và Đức để đứng thứ 3 thế giới. Khu vực dịch vụ của Ấn Độ là ngành phát triển nhanh trên thế giới, chiếm 60% nền kinh tế và 28% việc làm trong khi sản xuất và nông nghiệp là hai lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế Ấn Độ.

ma_thqn.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng giá trị thương mại Mỹ-Ấn hiện đạt 145 tỷ USD, ít hơn 1 nửa so với giữa Mỹ và 10 nước ASEAN và chỉ khoảng 20% thương mại Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện quan hệ song phương bao gồm trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể là với một thỏa thuận thương mại Mỹ-Ấn có thể sẽ giúp Ấn Độ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là Nam Á.  

Mỹ và Ấn Độ tìm cách ngăn ngừa Trung Quốc thống trị viễn thông toàn cầu

Các công ty của Trung Quốc bao gồm Huawei và ZTE đang tìm cách thống trị tương lai của viễn thông toàn cầu bao gồm công nghệ 5G. Ấn Độ và các nước ASEAN đang tìm cách phát triển công nghệ 5G nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao gồm thông qua các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tương lai. AI được cho là giải pháp tiềm tàng giúp các nước ở Nam Á và Đông Nam Á cải thiện hệ thống quản trị hiện đang gặp nhiều khó khăn do dân số tăng nhanh và một số yếu tố khác. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thống trị về hạ tầng cơ sở, yếu tố đảm bảo cho dòng chảy dữ liệu, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và cạnh tranh kinh tế. Ngoài ra, các hoạt động giám sát và gián điệp của Trung Quốc qua hệ thống 5G cũng có thể ảnh hưởng tới chủ quyền chính trị của Ấn Độ cũng như các nước khác ở châu Á.  

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi chắc chắn sẽ thảo luận những thách thức từ Trung Quốc trong chuyến thăm hai ngày của ông Trump. Theo thời gian, Mỹ sẽ dần coi Ấn Độ là quốc gia đóng góp tích cực hơn trong lĩnh vực ngoại giao và quân sự đối với một trật tự mở và tự do ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nếu Ấn Độ thực hiện vai trò này và muốn đối trọng với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở Nam Á, Ấn Độ sẽ cần một nền kinh tế lớn hơn và tăng trưởng nhanh hơn.   

Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận nhỏ giữa hai nước và đây sẽ là khởi đầu cho hướng đi thay đổi dần dần trong quan hệ song phương. Một yếu tố then chốt có thể khiến kinh tế Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau đó là hợp tác và thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao. Hợp phần tích hợp toàn cầu và là thế mạnh của nền kinh tế Ấn Độ đó là lĩnh vực phần mềm, công nghệ thông tin và tất các cả dịch vụ liên quan tới kinh tế thông tin. Các công ty Mỹ hàng đầu như Microsoft và Google đã từ lâu có mặt ở Ấn Độ nhằm nghiên cứu, phát triển và bán hàng. Các dịch vụ máy tính đứng đầu danh sách xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ. Các dịch vụ nghiên cứu và phát triển, dược, và tư vấn quản lý cũng nằm trong nhóm 10 lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ sang Mỹ.   

Mỹ và Ấn Độ đều có chung mối quan tâm đặc biệt đó là ngăn ngừa Trung Quốc thống trị viễn thông toàn cầu. Tham vọng của Ấn Độ trong sản xuất bao gồm các sản phẩm viễn thông và các công nghệ liên quan. Samsung của Hàn Quốc, một tập đoàn hàng đầu trong công nghệ 5G, đã chuyển sản xuất điện thoại di động và bảng hiển thị sang Ấn Độ với việc xây dựng cơ sở sản xuất điện thoại lớn nhất trên thế giới tại Uttar Pradesh sau khi di dời khỏi Trung Quốc. Các sản phẩm sản xuất trong nước sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất điện thoại di động và nhà mạng giá thấp của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo, và Xiaomi. Apple cũng có một cơ sở nghiên cứu quan trọng ở Ấn Độ.

Theo thời gian, việc sáng tạo và triển khai các mạng lưới 5G ảo có thể sẽ hoàn toàn đánh bật Huawei bằng các sản phẩm phần mềm và hệ thống được tạo ra bởi các công ty Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Khác với các hệ thống dựa trên phần cứng do Trung Quốc sản xuất, các liên doanh giữa Ấn Độ và một số nước khác có thể tạo ra các mạng lưới ảo nhằm đảm bảo dữ liệu của chính phủ đồng thời thúc đẩy hợp tác và thương mại quốc tế.  

Chuyến thăm tạo lòng tin hướng tới lợi ích lâu dài

Các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 21/2 cho biết, chuyến thăm khó có thể đạt được một thỏa thuận, thậm chí là một thỏa thuận hạn chế do hai bên còn nhiều bất đồng trong các lĩnh vực nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại kỹ thuật số, và việc Ấn Độ mới đây thông báo đánh thuế một số mặt hàng nhằm hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng đã gây ảnh hưởng tới nhiều công ty của Mỹ.

Ngoài vấn đề chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga trị giá hàng tỉ USD, có thể làm gia tăng bất đồng với Mỹ.

Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược và sự phân tách của hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ là một cơ hội rõ ràng cho Ấn Độ. Nếu Ấn Độ và Mỹ có thể phát huy những kết quả đã đạt được trong hợp tác công nghệ cao, điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại trong những năm tới. Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi sẽ là một bước tiến lớn nhắm tới mục tiêu lâu dài này nếu hai bên quyết định thảo luận một cách cởi mở về thương mại và công nghệ, xác lập tiêu chuẩn, quy định cho thương mại và dịch vụ số, và hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực như hệ thống viễn thông mới và AI./.