Mục tiêu khó khăn, giải pháp quá ít ỏi
Trong giai đoạn những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, mục tiêu hàng đầu của Mỹ là ngăn nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Nhật Thành tìm cách đưa quân tràn sang phía Nam vĩ tuyến 38 ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau đó, trong suốt gần 25 năm qua kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Nhật (Kim Il-sung) bắt tay vào việc phát triển hạt nhân vào năm 1994, các Tổng thống Mỹ đã luôn phải “vò đầu bứt tai” và chấp nhận thất bại trong việc kiềm chế tham vọng sở hữu hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hơn thế nữa, liên tiếp hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa diễn ra vào tháng 7, vụ phóng tên lửa Hwasong-12 bay qua đầu Nhật Bản hồi tháng 8 và vụ thử bom H vào đầu tháng 9 của Triều Tiên đã khiến không chỉ Washington mà cả Seoul và Tokyo “đứng ngồi không yên”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) sẽ phải đau đầu giải "bài toán" hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Giới chức Mỹ đã đệ trình rất nhiều phương án lên Tổng thống Donald Trump nhưng chính họ cũng thừa nhận rằng, nhiều phương án mà họ đưa ra “chỉ để cho có” và không thể triển khai trên thực địa.
Các biện pháp can thiệp quân sự mà ông Trump nhiều lần đề cập được cho là sẽ gây ra những hậu họa khôn lường. Tướng đã về hưu Rob Givens ước tính, ngay khi Mỹ động binh, tính mạng của khoảng 20.000 người ở Seoul sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên từ trước đến nay đều tỏ ra không mấy có tác dụng. Triều Tiên rất giỏi trong việc né những lệnh trừng phạt này và vẫn tìm ra cách để tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa hết sức tốn kém của họ.
Bài toán hạt nhân Triều Tiên: Đối thoại có tốt hơn là trừng phạt?
Ông Trump cần một cách tiếp cận dũng cảm hơn
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, Mỹ cần một cách tiếp cận hoàn toàn mới dựa trên những bài học mà nước này rút ra từ những thất bại trong quá khứ và cần thực tế hơn trong việc đặt ra các mục tiêu đối với Triều Tiên.
Từ lâu, các nhà lãnh đạo Triều Tiên rất muốn được công nhận là quốc gia sở hữu hạt nhân. Tuy nhiên, các Tổng thống Mỹ buộc phải “lắc đầu” bởi họ hiểu rõ rằng, việc nhượng bộ đòi hỏi của Triều Tiên chẳng khác nào họ chấp nhận hy sinh toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình.
Dù vậy, theo các chuyên gia, đến thời điểm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn có thể tính đến việc công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân. Điều này không phải để thỏa mãn đòi hỏi của Triều Tiên mà là nhằm phục vụ cho những tính toán lâu dài hơn của Mỹ.
Rõ ràng, việc Mỹ công khai công nhận năng lực hạt nhân của Triều Tiên không chỉ gây rúng động trên chính trường Mỹ mà còn khiến khác đồng minh của Mỹ tại châu Á không khỏi e dè. Tuy nhiên, ngay khi làm được điều này, ông Trump hoàn toàn có thể chủ động chuyển đổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn bị coi là phi thực tế sang một mục tiêu “dễ thở” hơn: kiềm tỏa Triều Tiên.
“Chúng tôi luôn biết cách kiềm chế và làm suy yếu những kẻ muốn làm hại chúng tôi”, ông Harry Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về Lợi ích Quốc gia nhận định: “Chúng tôi chỉ cần mở lại sách lịch sử để tìm kiếm những giải pháp có thể áp dụng được cho thế kỷ 21”.
Đối với Washington, để có thể kiềm chế và làm suy yếu Triều Tiên, họ cần phải xây dựng một liên minh đa quốc gia bao gồm cả những nước là đồng minh và đối tác của Mỹ nhằm hạn chế tối đa mối đe dọa từ Triều Tiên- một mục tiêu mà theo nhiều chuyên gia, cả Nga và Trung Quốc sẽ khó lòng khước từ.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quyết định này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ về chính trị đối với ông Trump. Chính vì thế, để có thể thực hiện được triệt để chính sách kiềm tỏa Triều Tiên, Tổng thống Mỹ cần phải thiết lập được những kênh liên lạc đáng tin cậy với Nga và Trung Quốc nhằm tránh những hiểu lầm không đáng có và tạo nên một thông điệp thống nhất.
Ngoài ra, Mỹ cần phát đi một thông điệp “không thể rõ ràng hơn” đến Triều Tiên rằng, Mỹ không muốn đụng binh với Triều Tiên và sẽ chỉ hành động nếu Triều Tiên dám xâm hại đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh.
Điều này tạo cho Triều Tiên cảm giác rằng, nước này không còn bị dồn ép thái quá trong vấn đề hạt nhân và tên lửa và vì thế không cần phải phản ứng quá quyết liệt trong khi khiến các nước đứng trong liên minh với Mỹ cảm thấy yên tâm hơn.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị ông Trump cần tìm cách tận dụng tối đa sự trợ giúp của Trung Quốc trong những lĩnh vực mà Bắc Kinh được cho là luôn sẵn sàng “bật đèn xanh” như ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ hạt nhân và tên lửa lưỡng dụng cho Triều Tiên.
Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong vấn đề này bởi nước này cũng rất sợ những công nghệ này có nguy cơ được tuồn từ Triều Tiên sang các nước đối trọng với Trung Quốc.
Ngoài ra, Washington cũng cần khuyến khích Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần hơn với nhau. Lịch sử đầy sóng gió giữa 2 quốc gia Đông Bắc Á này đã ngăn cản 2 đồng minh của Mỹ chia sẻ thông tin tình báo với nhau dù họ cùng có mục tiêu chung. Chính vì thế, Mỹ cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tạo dựng lòng tin giữa hai bên./.
Triều Tiên tiếp tục hứng chịu sức ép vì thử hạt nhân và tên lửa