Động thái này đã khiến Liên minh châu Âu (EU) vốn đang phải gồng mình chống dịch Covid-19, lại phải đối diện thêm nguy cơ một cuộc khủng hoảng người nhập cư mới.

ti_nan_o_bien_gioi_tho_nhi_ky_hy_lap_fngo.jpg
Người di cư tụ tập ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp. Ảnh: AFP.

Dường như, chính quyền Ankara đang muốn tạo sức ép, tìm kiếm những hỗ trợ thực tế hơn từ đồng minh châu Âu sau khi chịu thiệt hại lớn tại chiến trường Syria. Động thái này sẽ tác động và ảnh hưởng ra sao đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - châu Âu cũng như khu vực

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới cho người tị nào vào châu Âu?

Cuộc leo thang quân sự ở Idlib giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến 30 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Đây có thể coi là tổn thất nặng nề nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ và dường như Mỹ đã bỏ rơi Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là lý do vì sao nước này muốn EU hỗ trợ và phải gây sức ép với EU bằng những dòng người tị nạn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố xóa bỏ mọi rào cản đối với người tị nạn đến với châu Âu. Ngay lập tức 18.000 người di cư đã tập trung tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, con số này có thể lên tới 30.000 người. Quyết định này có thể coi là bất ngờ bởi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã ký một thỏa thuận năm 2016 nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua biên giới để đổi lấy việc các nước EU cung cấp hàng tỷ USD viện trợ cho Ankara.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới cho người tị nạn (trong đó có người Syria) tràn vào EU có thể có các lý do sau. Thứ nhất, nước này cho rằng Liên minh châu Âu đã không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận đã ký đặc biệt là liên quan đến việc tăng thị thực nhập cảnh cho người Thổ Nhĩ Kỳ vào EU cũng như chậm trễ trong việc hỗ trợ tài chính cho người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng khoản tài trợ mà họ nhận được từ châu Âu là không đáng kể so với 40 tỷ USD mà họ nói rằng họ đã chi cho người tị nạn.

Thứ hai, các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có kết quả.

Thứ ba, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó đã cảnh báo các nước EU về điều này và lần này là hành động để chứng tỏ sự cứng rắn và các đe dọa không phải nói suông.

Thứ tư, cuộc chiến ở Idlib khiến cho người tị nạn Syria tiếp tục tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ tạo sức ép về kinh tế, xã hội cho nước này khi số người tị nạn tăng hơn 3,6 triệu người. Vì số người tị nạn mới, Thổ Nhĩ Kỳ hiện muốn đàm phán lại thỏa thuận về người tị nạn với EU.

Thứ năm, dường như cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib với lý do đảm bảo an ninh và tạo vùng đất an toàn cho người tị nạn Syria trở về không được các nước EU ủng hộ.

Thứ sáu, EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ sửa đổi luật chống khủng bố như một điều kiện để hủy thị thực cho công dân nước này nhưng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng điều này là không thể vào lúc này với mối đe dọa liên tục của các tổ chức khủng bố.

Thứ bảy, có nhiều nguồn tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đợi sự hỗ trợ từ Mỹ để thuyết phục NATO triển khai các hệ thống tên lửa Patriot ở biên giới với Syria và cung cấp thông tin tình báo để giúp nước này kiểm soát lại tỉnh Idlib đổi lấy việc từ bỏ thỏa thuận tên lửa S-400 của Nga. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới, quyết định lần này sẽ nguy hiểm hơn bởi sự lây lan của dịch Covid-19 và điều này sẽ làm gia tăng nỗi lo về thảm họa ở châu Âu có thể xuất phát từ dòng người tị nạn ngẫu nhiên.

Thỏa thuận ngăn chặn người tị nạn vào EU sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn thời điểm này để gây sức ép với EU về nhiều mặt từ tài chính, tới sự ủng hộ cuộc chiến ở Idlib, gia nhập EU lẫn đàm phán lại thỏa thuận 2016. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thỏa thuận không còn phù hợp khi số người tị nạn tăng lên trong khi tài chính mà EU cung cấp chưa đủ. Cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những thách thức riêng và không bên nào muốn thỏa thuận bị đổ vỡ những lại đang đổ lỗi trách nhiệm cho nhau. Nếu điều này xảy ra thì cả hai bên đều có những thiệt hại lớn cả về an ninh, kinh tế và xã hội.

EU xác nhận rằng thỏa thuận về người tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hiệu lực và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mặc cả cũng như gây sức ép. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ EU cũng không có sự đồng thuận trong việc chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên hoặc đối tác và điều này đặt ra một thách thức lớn đối với tương lai của mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như thỏa thuận ngăn chặn người nhập cư có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào.

Sự đồng thuận giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu về việc tiếp tục cung cấp tài trợ cần thiết cho Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực ngăn chặn người tị nạn vẫn là chìa khóa để tiếp tục thỏa thuận. Tuy nhiên, một nhóm các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang “tống tiền” và lo ngại các nhượng bộ sẽ mở đường các phong trào cực hữu và khuynh hướng dân túy.

Theo nhiều chuyên gia thỏa thuận sẽ không tồn tại lâu dài khi Ankara thực hiện các hoạt động quân sự ở Syria mà không tham khảo ý kiến với các đồng minh NATO, làm tăng số người tị nạn. Nước Anh rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc nước này ngừng đóng góp cho các quỹ của châu Âu khiến nguồn tài chính cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng.

Thực tế, không phải Thổ Nhĩ Kỳ không cần EU như trước mà giới phân tích cho rằng lúc này Thổ Nhĩ Kỳ cần EU hơn khi mà Mỹ đang “bỏ rơi” trong cuộc đối đầu với Syria và Nga ở Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ cần EU ủng hộ trong cuộc chiến ở Idlib với nhiều mục đích vừa bảo vệ an ninh, vừa tăng cường ảnh hưởng. Tuy nhiên, giới phân tích khu vực cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mạo hiểm khi gây sức ép với EU và như EU nói đó là sự “tống tiền”. Ngay cả việc duy trì thỏa thuận cũ cũng đang là thách thức với EU. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường thêm các điều khoản, nhất là các nguồn tài chính trong thời điểm hiện này dường như không khả thi và thỏa thuận có nguy cơ đổ vỡ cao.

Cục diện mới sắp tới ra sao?

Với việc mở cửa biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ vừa muốn EU ủng hộ cuộc chiến ở Idlib, vừa muốn nhận thêm viện trợ tài chính. Tuy nhiên EU vẫn luôn phản đối cuộc chiến ở Idlib và vấn đề cung cấp tài chính thì vẫn phải chờ sự đồng thuận giữa các thành viên EU. Nếu vậy, kịch bản này của Thổ Nhĩ Kỳ dường như bị thất bại.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đặt cược rất cao vào sự hỗ trợ của đồng minh Mỹ trong cuộc đụng độ vũ trang ở Idlib và để sẵn sàng đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Tuy nhiên yêu cầu của Ankara với Washington cung cấp các hệ thống phòng không Patriot được hứa hẹn từ lâu vẫn chưa được trả lời. Người Mỹ đang muốn làm “ngư ông đắc lợi” khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đối đầu ở Syria. Trong khi đó, quân đội Syria với sự hậu thuẫn và tiếp viện quân sự của Nga đã huy động tất cả nhân lực và khả năng chiến tranh cho chiến thắng quân sự ở Idlib. Kịch bản đụng độ lớn ở Idlib trong những ngày tới chắc chắn xảy ra nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của các bên.

Dư luận đang chờ đợi cuộc gặp Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp về Syria vào ngày 5 tới có thể tháo “gòi nổ” ở Idlib. Cuộc họp bộ tứ này phản ánh mong muốn giải pháp chính trị của tất cả các bên nhưng điều này không có nghĩa là từ bỏ lựa chọn quân sự của Nga hoặc thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ như một phương tiện để hỗ trợ vị trí và ảnh hưởng.

Những căng thẳng ở khu vực, nhất là ở Idlib và việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đối với người dân Syria, với khu vực EU, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng. Cục diện vấn đề phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu bất kỳ sự nhượng bộ nào không thỏa đáng có thể dẫn đến ảnh hưởng lớn về an ninh quốc gia và ổn định khu vực./.