Vậy là một lần nữa nước Anh lại rúng động vì bị tấn công khủng bố. Đêm 3/6 (giờ Anh, tức sáng sớm 4/6 giờ Việt Nam), những kẻ tấn công đã lao ô tô với tốc độ cao vào khách bộ hành trên cầu London – một trong các biểu tượng của nước Anh nằm ở trung tâm thủ đô London. Khi xe dừng lại, những kẻ này rút dao đâm loạn xạ vào những người có mặt trên phố.
Hậu quả, chúng đã khiến ít nhất 7 người chết, 48 người khác bị thương. Nhiều người dân đã phải tự vệ bằng cách quăng bàn ghế về phía những kẻ tấn công. Có một tài xế đã dũng cảm lái ô tô để chặn những kẻ khủng bố, qua đó góp phần hạn chế thương vong.
Trong số các nạn nhân có có cả công dân Pháp và Australia.
Yếu tố Hồi giáo
Có nhiều dấu hiệu khẳng định đây là một trường hợp khủng bố Hồi giáo, khi những kẻ tấn công đã hô to từ “Allah” mà các tín đồ Hồi giáo hay sử dụng. Cảnh sát và Thủ tướng Anh đều đã tuyên bố nhìn nhận vụ việc này theo hướng một hành động khủng bố.
Lần này cảnh sát Anh đã phản ứng khá nhanh. Chỉ 8 phút sau khi nhận được lời gọi khẩn cấp, họ đã có mặt tại hiện trường và bắn chết 3 gã khủng bố nói trên.
Tấn công ở London: 6 nạn nhân thiệt mạng, người dân hoảng loạn
Ngoài ra, Anh còn huy động cả lực lượng đặc nhiệm bên quân đội, lực lượng này đã sử dụng trực thăng quân sự bay tới khu vực nói trên để truy lùng và ngăn chặn nhóm khủng bố.
Cầu London là một đầu mối giao thông quan trọng. Khu chợ Borough gần đó với nhiều quán bar và nhà hàng là nơi tấp nập vào mỗi tối Thứ Bảy.
Anh liên tục bị tấn công
Đây là vụ tấn công lần thứ 3 ở Anh chỉ trong 3 tháng nửa đầu năm 2017, bất chấp việc Anh nằm ngoài biển về phía Tây, không quá sát Trung Đông như các nước Tây Âu khác.
Ngày 22/3, tên Khalid Masood dùng ô tô đâm chết 4 khách bộ hành trên cầu Westminter (cũng ở London) và sau đó dùng dao đâm chết một cảnh sát không vũ trang. Tên này lấy cảm hứng từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Vụ tấn công xảy ra gần trụ sở Quốc hội Anh.
Ngày 22/5, vụ tấn công khủng khiếp bằng bom ở “Đấu trường Manchester” (một sân vận động trong nhà) ở thành phố Manchester nước Anh đã khiến 22 người chết. Các nạn nhân, bao gồm nhiều trẻ em, là những khán giả xem buổi biểu diễn nhạc của một nữ ca sĩ trẻ người Mỹ.
Sau vụ tấn công khủng bố lần thứ 1 và 2 đầu năm 2017, mức báo động ở Anh đã được nâng cao, nhiều cảnh sát vũ trang tuần tra trên đường phố các đô thị lớn. Khi tình hình “tạm yên”, Anh đã hạ mức cảnh báo. Đùng một cái, lại nổ ra một vụ tấn công khủng bố nữa. Người dân Anh thêm một phen kinh hoàng.
Vụ tấn công vào đêm 3/6 còn nối tiếp các vụ tấn công ở các thành phố Paris, Brussels, Nice, và Berlin (thuộc Pháp, Bỉ và Đức) trong 2 năm qua.
Như các lần trước, nước Anh ngay lập tức nhận được sự chia buồn và động viên từ các lãnh đạo thế giới, đặc biệt là từ Đức, Pháp và Mỹ - lãnh đạo các nước này thể hiện tinh thần sát cánh với Anh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đáng lưu ý, Tổng thống Trump đã tận dụng sự việc theo hướng lấy đó làm lý do để kêu gọi bảo vệ và thực thi lệnh cấm nhập cư của ông nhằm vào công dân 6 nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, các kẻ tấn công ở Tây Âu trong 2 năm qua thường không phải là người mới nhập cư hay tị nạn mà đa phần là những người đã định cư ở đây từ lâu, mang gốc gác Trung Đông nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên ở Tây Âu.
Thông điệp nào từ những kẻ khủng bố?
Có thể những kẻ khủng bố một lần nữa muốn gửi thông điệp răn đe tới bà Theresa May, Thủ tướng theo đường lối cứng rắn hiện nay của Anh.
Vụ tấn công diễn ra vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là bầu cử Anh (8/6), nên khó loại trừ khả năng các lực lượng khủng bố muốn tác động đến cuộc bầu cử này theo hướng có lợi cho chúng.
Khi tháng lễ chay tịnh Ramadan vẫn đang diễn ra thì vụ tấn công mới nhất này cũng có thể là để đáp lại lời kêu gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq muốn các “con sói đơn độc” tiến hành các vụ khủng bố bất ngờ từ bên trong các nước phương Tây, sử dụng các phương pháp thô sơ sẵn có.
Sự kiện đêm 3/6 đã một lần nữa chứng tỏ các ổ nhóm hoặc những phần tử bị cực đoan hóa vẫn còn rất mạnh bên trong xã hội Anh. Thực tế thì trước đó chính báo chí Anh đã cho biết có tới 23.000 phần tử Hồi giáo cực đoan đang sống bên trong nước này.
Để đối phó tốt hơn với chủ nghĩa khủng bố, có lẽ nước Anh cần phải tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của các cơ quan tình báo nước này.
Khi lực lượng khủng bố chuyển sang sử dụng các thiết bị như ô tô và dao để gây án thì công tác phòng ngừa, dự báo, “nắm tình hình” là hết sức quan trọng để có thể ngăn chặn từ xa, tránh rơi vào bị động đối phó khi sự việc đã xảy ra.
Mà để công tác tình báo hiệu quả thì có lẽ giải pháp tốt nhất là giới chức Anh phải có chính sách thân thiện với cộng đồng Hồi giáo ở nước họ và xây dựng trong đó đội ngũ tình nguyện viên sẵn sàng thông báo kịp thời về những đối tượng khả nghi cho cơ quan chức năng./.