Chính vì vậy, chuyến công du tới khu vực lần này của Quốc vương Morocco Mohammed VI được dư luận đặc biệt quan tâm, với hi vọng có thể thổi một “luồng gió mới” trong cách thức giải quyết những căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain.

mohammed_vi_vua_morocco_yocm.jpg
Quốc vương Morocco Mohammed VI. (Ảnh: Arab News)

Ngày 7/11, Quốc vương Morocco Mohammed VI đã tới thủ đô Abu Dhabi, UAE, bắt đầu chuyến công du dài ngày tới vùng Vịnh. Theo kế hoạch, Quốc vương Morocco sẽ có 5 ngày làm việc tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, sau đó sẽ lên đường tới Qatar vào ngày 12/11 tới.

Tháp tùng Quốc vương Morocco có Hoàng tử Moulay Ismail, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế và 3 cố vấn cấp cao của ông. Ngoài việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Morocco và các quốc gia vùng Vịnh, mục đích của chuyến công du lần này được xem là lần thử sức tháo ngòi nổ cho những căng thẳng giữa Qatar và 4 nước Arab, vấn đề mà Kuwait và Mỹ đã, đang làm nhưng chưa có bước đột phá.

Với sự ổn định về chính trị, nền kinh tế mở cửa, tính cân bằng trong quan hệ đối ngoại, Morocco lâu nay có một vị thế thuận lợi để thúc đẩy an ninh và phát triển trong khu vực. Đối với riêng cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, Morocco hiện có mối quan hệ tốt đẹp và gần gũi với cả hai bên và có một lập trường “độc lập”, khi cho rằng, sự hòa giải cần phải dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Ngoài khía cạnh chính trị, Morocco cũng có mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng với các nước vùng Vịnh. Morocco chủ yếu dựa vào sự hợp tác của các đối tác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) để thực hiện những dự án đầu tư ở trong nước và Châu Phi. UAE và Qatar có thể là nơi cung cấp những khoản hỗ trợ cần thiết cho các chương trình phát triển tại nhiều khu vực ở quốc gia này.

Do mối quan hệ gần gũi và gắn bó nêu trên, sự ổn định của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đóng vai trò quan trọng đối với Morocco. Vậy nên, những diễn biến khiến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh leo thang căng thẳng đã khiến Morocco không thể làm ngơ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với vai trò trung gian hòa giải của Morocco hiện nay, đó là dù tỏ ý sẵn sàng đàm phán, song cả Qatar và nhóm 4 nước Arab đều đưa ra các điều kiện tiên quyết cho một cuộc đàm phán như vậy.

Trong khi nhóm 4 nước Arab đòi hỏi Qatar thực hiện một “bản yêu sách” gồm 13 điểm trước khi bắt đầu đàm phán, trong đó có việc yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar, thì phía Qatar cũng từ chối  tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào trước khi các biện pháp phong tỏa đối với nước này được dỡ bỏ.

“Lệnh cấm vận không công bằng đối với Qatar đã gây ra những hậu quả nhân đạo cho người dân Qatar nói riêng và người dân tại các nước vùng Vịnh nói chung”, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Hamad Al Thani từng tuyên bố. “Qatar sẵn sàng tiến hành đối thoại để giải quyết mọi vấn đề vì chúng tôi biết rằng không ai chiến thắng trong cuộc chơi này. Qatar sẽ đối thoại để đạt được thoả thuận mà tất cả các bên tuân theo, song điều này phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia”.

Trước Morocco, các nước như Pháp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kuwait đã thử sức với vai trò trung gian hòa giải, song vẫn chưa mang lại nhiều đột phá khi các bên liên quan không thỏa hiệp hay nhượng bộ. Giới phân tích cho rằng, Morocco cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua được “nút thắt” này nhằm chứng tỏ hiệu quả trong vai trò hòa giải của mình./.